BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁNG 06/2021 (09-07-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế

          1. Châu Âu mở cửa, cơ hội cho hàng nông, thuỷ sản

Bước sang quý II/2021, khi dịch COVID-19 không quá căng thẳng như trước đó, Châu Âu (EU) dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn. Nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc là một trong những nhân tố hỗ trợ hàng hóa Việt Nam (đặc biệt là nông, thủy sản) xuất khẩu (XK) sang thị trường này bật tăng trở lại.

EU nới lỏng biện pháp phòng dịch, kinh tế khởi sắc lạc quan

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tại EU, vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi và nhiều chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát, kinh tế EU đã phát đi những dấu hiệu khởi sắc.

Hoạt động sản xuất liên tục tăng trưởng trong những tháng gần đây, cho thấy nền kinh tế EU đang hồi phục mạnh mẽ. Những dấu hiệu phục hồi kinh tế thể hiện rõ khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã dần thích ứng với tình hình dịch bệnh, vừa sản xuất, vừa chống dịch, thay cho việc giãn cách, "đóng băng" thương mại của hồi đầu dịch bệnh.

Hiện tại, Hiệp hội công nghiệp Đức đã thúc đẩy kế hoạch nới lỏng biện pháp phòng dịch bắt buộc trong các ngành sản xuất, đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong đó, cùng với việc đệ trình kế hoạch 10 điểm lên Chính phủ liên bang, đề xuất các bước đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, Hiệp hội công nghiệp Đức đã đồng thời đề xuất mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế theo từng bước, phù hợp với việc dỡ bỏ dần các quy định phòng dịch trên cơ sở tỉ lệ người dân được tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19.

Để khôi phục kinh tế, Italia và Tây Ban Nha đã quyết định mở cửa nền kinh tế sớm hơn ngay khi đại dịch COVID-19 dịu lại ở EU. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh khởi sắc trở lại. Bên cạnh đó, nền kinh tế của nhiều nước thuộc EU cũng “đang liền sẹo”, hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào quỹ đạo, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dần tăng lên. EU đang bước qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.

EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam

Từ trước đến nay, EU là thị trường tiềm năng mà các DN Việt luôn tìm hướng chinh phục. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết, đây chính là cơ hội để Việt Nam gia nhập thị trường cao cấp này. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều đứt gãy. Khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát tại EU, các DN Việt Nam đã đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng tại khối kinh tế này, đặc biệt là lĩnh vực XK nông sản, thủy sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), bước sang quý II/2021, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, trong đó XK thủy sản Việt Nam sang EU tháng 5.2021 ước đạt 23.000 tấn với trị giá 105 triệu USD, tăng 48,48% về lượng và tăng 44,77% về trị giá so với tháng 5.2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản của Việt Nam tới EU đạt 59,07 nghìn tấn với trị giá 390,4 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; XK sang EU trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 10,6% về lượng và chiếm 12,05% về trị giá XK thủy sản của cả nước.

“Dự báo, XK thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ. Kết quả XK thủy sản tới EU tăng mạnh trong tháng 5.2021 thể hiện sự chủ động cố gắng của các DN XK thủy sản Việt Nam tới EU trong việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn cung và tận dụng tốt các lợi thế từ EVFTA”. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - cho biết.

Trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ, thì Đức và Italia là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%.

Theo Bộ Công Thương, trong tuần qua, giá cà phê thế giới tăng là nhờ thông tin kinh tế khu vực EU đang tăng trưởng tích cực và sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cà phê. Đồng thời, việc Colombia bị nghẽn mạch vận tải do việc phong tỏa các đường cao tốc vận chuyển cà phê ra các cảng XK cùng với dự báo về tình trạng hạn hán trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8.2021 của vụ mùa tới.

“Thời tiết khô hạn và sương giá tại các vùng sản xuất chính của Brazil sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng càphê của Brazil năm sau và những năm sau nữa. Theo Reuters, XK càphê trong tháng 5.2021 của Brazil giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 198.118 tấn, đây có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá trong thời gian sắp tới” - nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay.

Bộ NNPTNT cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê Brazil sụt giảm khoảng 30% vì khô hạn ngay từ đầu vụ và cây cà phê vào chu kỳ cho năng suất thấp cũng khiến giá cà phê tăng. Đây chính là cơ hội cho XK cà phê Việt Nam.

“Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế hiện hành, góp phần hỗ trợ rất đáng kể cho sức tiêu thụ hàng hóa nói chung và sự hồi phục giá cà phê Robusta sàn London” - đây là tin vui cho các DN XK cà phê Việt Nam”.

EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, XK hạt điều sang EU đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch XK hạt điều của cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, XK vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang vẫn diễn ra thuận lợi. Theo Cục XNK Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Gần 1 tuần sau lô vải thiều đầu tiên XK sang Cộng hoà Czech (thuộc EU), ngày 12.6, 1 tấn vải thiều tiếp tục được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.

Điều đáng nói, đây là lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển. Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà XK, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà XK, đồng thời, người tiêu dùng tại Pháp có thể “tra cứu” toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói.

Đại dịch COVID-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, với 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các DN tại vùng duyên hải miền Trung.

Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. DN tư nhân trong một số ngành có tỉ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỉ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%). Theo VCCI

          2. Thay đổi lập trường của Fed ảnh hưởng đến các nước châu Á

Dự kiến mới về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế ở châu Á. Một mặt, thay đổi này sẽ làm dịu áp lực đối với một số ngân hàng trung ương lớn trong khu vực, nhưng mặt khác lại đặt ra thách thức đối với những ngân hàng trung ương còn lại – hãng tin Bloomberg cho hay.

Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, khiến các đồng tiền trong mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Điều này có thể là tin vui đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), bởi hai nước này đang ứng phó với sự tăng giá mạnh không được chờ đợi của đồng nội tệ. Trái lại, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia có thể phải đương đầu với một thực tế là không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế từ Covid.

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHIỀU NƯỚC RƠI VÀO THẾ KHÓ

“Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á sẽ chịu sức ép lớn”, nhà quản lý danh mục Teresa Kong thuộc Matthews International Capital Management LLC nhận định. “Tôi cho rằng tuyên bố ngày hôm nay của Fed đặt ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi vào một vị thế chính sách kém linh hoạt hơn. Họ buộc phải dịch chuyển sang khả năng phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, cho dù nền kinh tế của họ có thể hưởng lợi từ việc giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”.

Đồng USD có phiên tăng giá mạnh nhất trong 1 năm sau cuộc họp của Fed. Trong số các đồng tiền ở khu vực châu Á, đồng Peso của Philippines, Rupiah của Indonesia, và Won của Hàn Quốc thuộc nhóm giảm giá mạnh nhất so với USD trong phiên ngày 17/6.

“Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang ở trong một cuộc thảo luận về việc nước nào sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, và trong số đó nước nào sẽ phải hành động trước Fed”.

Nhà quản lý danh mục Stephen Chang thuộc Pacific Investment Management

Phiên bán tháo ngày 16/6/2021 trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng gây áp lực mạnh lên thị trường trái phiếu một số nước ở châu Á-Thái Bình Dương phiên ngày 17/6/2021. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia bị bán mạnh, khiến lợi suất bật tăng.

Phần lớn các quan chức trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) của Fed dự báo lãi suất bắt đầu tăng từ năm 2023. Tuy nhiên, thị trường đang tính đến khả năng Fed có thể nâng lãi suất ngay trong năm 2022. Trên cơ sở này, giới đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ phải nâng lãi suất tổng cộng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022, thay vì mức dự báo nâng 0,32 điểm phần trăm đưa ra trước đó.

“Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang ở trong một cuộc thảo luận về việc nước nào sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, và trong số đó nước nào sẽ phải hành động trước Fed”, nhà quản lý danh mục Stephen Chang thuộc Pacific Investment Management ở Hồng Kông nói với Bloomberg. Ông Chang cho rằng Hàn Quốc và Australia là hai “ứng cử viên” cho việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Trong một bài phát biểu ngày 17/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe nói rằng các yêu cầu về nâng lãi suất cơ bản của nước này có thể được đáp ứng vào năm 2024 theo một số kịch bản đã được xem xét. Cũng theo ông Lowe, RBA sẽ tiếp tục rà soát các kịch bản về lãi suất trong cuộc họp vào tháng tới. Ngay sau phát biểu của ông Lowe, số liệu thị trường việc làm tháng 5 của Australia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ sụt mạnh còn 5,1%.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Perry Warjiyo, ngày 17/5 công bố quyết định giữ nguyên lãi suất tháng thứ 4 liên tiếp. Ông Perry nói rằng đến hiện tại, phản với tuyên bố của Fed trên thị trường tài chính Indonesia là tương đối ổn định, nhưng các Ngân hàng Trung ương nước này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến.

NHỮNG NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG HƯỞNG LỢI

Đối với BOJ, sự dịch chuyển của Fed có thể mang lại một số lợi ích – theo chiến lược gia Tomo Kinoshita thuộc Invesco Asset Management. Cuộc họp tới của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18/5. “Fed đang gửi đi một luồng gió thuận cho BOJ, bằng cách tạo áp lực cho đồng Yên suy yếu. Tất cả những gì mà BOJ cần phải làm là duy trì chính sách bấy lâu nay để đạt tới mục tiêu lạm phát còn rất xa của họ”, ông Kinoshita nói.

“Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài và đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng”.

Đối với PBOC, sự dịch chuyển của Fed cũng có thể là một điều đáng mừng, bởi Bắc Kinh đang chật vật ứng phó với sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ, dòng vốn chảy mạnh vào nước này, và giá hàng hoá cơ bản leo thang. PBOC gần đây đã đưa ra nhiều cảnh báo về kỳ vọng tiếp diễn vào sự tăng giá của Nhân dân tệ. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng tới 0,8% trong phiên ngày 17/6, trở thành một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực phiên này.

Theo ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thuộc Bannockburn Global Forex cho rằng việc Fed đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến châu Á và các khu vực khác. “Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài và đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng.

          

3. Châu Âu tiếp tục nỗ lực 'trợ thở' cho doanh nghiệp

Sự phục hồi chậm hơn buộc các chính phủ châu Âu phải gia hạn những biện pháp hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp đang nợ nần. Rousselle Industrie SA, một nhà sản xuất máy sơn ở miền bắc nước Pháp, gần như phá sản năm 2020, sau khi đại dịch làm gián đoạn nguồn cung và hoạt động kinh doanh. Nhưng sau đó, công ty được cứu với khoản vay tương đương 360.000 USD, theo chương trình của chính phủ bảo lãnh và trả lãi chậm trong 12 tháng.

Một năm sau, công ty vẫn phải đối mặt với đầu vào lẫn đầu ra yếu, khiến khả năng trả nợ trở nên khó khăn. Nhận thức được những rắc rối phải đối mặt với Rousselle Industrie và hàng trăm nghìn công ty khác, chính phủ Pháp quyết định cho hoãn trả nợ thêm một năm. "Chúng tôi sẽ không thể sống sót qua giai đoạn phức tạp này nếu không có sự trợ giúp của chính phủ. Vẫn còn rất nhiều điều bất ổn", Eric Plaisant, CEO của công ty cho biết.

Các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc đang nhanh chóng phục hồi. Nhưng ở châu Âu, nơi chương trình tiêm chủng bị tụt hậu so với các khu vực khác và các nền kinh tế thích ứng chậm hơn, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và một cuộc khủng hoảng tài chính mới trên lục địa này, các chính phủ đang mở rộng biện pháp hỗ trợ. "Chúng tôi không muốn cắt hỗ trợ đột ngột và gây ra hàng chục nghìn vụ phá sản", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết. Bên cạnh việc hoãn nợ, chính phủ Pháp đã gia hạn chương trình bảo lãnh cho vay doanh nghiệp thêm 6 tháng, tức đến cuối năm nay. Hiện đã có khoảng 675.000 công ty được chính phủ nước này bảo lãnh vay tổng cộng 166 tỷ USD.

Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi cũng đã gia hạn chính sách hoãn nợ thêm 6 tháng, đến tháng 12. Ở Tây Ban Nha, Madrid đang xóa nợ cho một số khoản vay được nhà nước bảo lãnh. Tuy nhiên, những động thái này sẽ gây thêm gánh nặng cho các chính phủ - vốn có nợ công tăng vọt từ năm ngoái - đến mức cao hơn mức từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 khác với các cuộc suy thoái trước đây. Kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các chính phủ ở châu Âu đã tung ra khoản tiền tương đương 1.800 tỷ USD cho các khoản vay được gia hạn thời gian trả nợ, các khoản bảo lãnh và tài trợ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Các chính phủ cũng giữ cho lao động không bị thất nghiệp bằng cách hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp. Các quốc gia như Đức thậm chí còn đình chỉ quy định buộc các công ty hết tiền phải nộp đơn xin phá sản tại địa phương.

Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu vẫn ở mức thấp. Các vụ phá sản thậm chí còn giảm xuống. Và các ngân hàng không thấy lý do gì để cho rằng sẽ thua lỗ lớn trong việc cho vay. Tuy nhiên, đó là sự ổn định tương đối.

"Nếu các biện pháp đang áp dụng hiện nay được loại bỏ một cách nhanh chóng, các công ty có thể bị đẩy đến bờ vực nguy hiểm", Martin Oehmke, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Đồng chủ trì một báo cáo giám sát về ổn định tài chính cho Ủy ban Rủi ro Hệ thống châu Âu, đánh giá.

Báo cáo của Ủy ban này cho biết, trong trường hợp xấu nhất, các chương trình hỗ trợ hiện nay của các chính phủ châu Âu chỉ là cố trì hoãn các vấn đề hơn là khắc phục chúng. "Tỷ lệ vỡ nợ thấp hiện nay sẽ tương tự như biển rút đi trước khi có sóng thần", báo cáo bình luận.

Nếu một cơn sóng thần ập đến, các nhà quản lý lo ngại rằng các ngân hàng không chuẩn bị sẵn sàng. Andrea Enria, người đứng đầu bộ phận giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cảnh báo và cho rằng khoảng 40% ngân hàng khu vực đồng euro đã không đánh giá đúng mức các khoản cho vay khó có thể hoàn trả. Nhiều đơn vị đã hạ xác suất vỡ nợ đối với các khoản vay mới, bất chấp những rủi ro là rõ ràng.

Một trong những lo lắng lớn nhất ở châu Âu là các quốc gia ở phía Nam dễ bị tổn thương hơn. Nhiều nước khu vực này có hệ thống ngân hàng yếu hơn và bị ảnh hưởng nặng bởi ngành du lịch khó khăn.

CNA, một hiệp hội các công ty vừa và nhỏ tại Italy cho biết, hơn một phần ba số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng không thể bắt đầu trả nợ thường xuyên. Riêng trong lĩnh vực du lịch, chưa đến 2% cho biết có thể tồn tại mà không duy trì các chính sách hỗ trợ, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng này.

"Việc gia hạn chính sách hoãn nợ rất quan trọng với tôi", Cristina Vincenzi, chủ một cửa hàng đồ lót ở thị trấn Roncade, Đông Bắc Italy nói. Bà Vincenzi đã báo lỗ vào năm ngoái, sau khi đại dịch buộc bà phải đóng cửa hàng trong nhiều tháng. Theo chương trình hỗ trợ, bà chưa phải trả góp hàng tháng 575 euro cho khoản vay 10.000 euro của mình, tương đương khoảng 12.000 USD.

Ở Bồ Đào Nha, khoảng một phần ba tổng số khoản vay được hoãn nợ cho các công ty sẽ hết hạn ưu đãi vào tháng 9. Riêng trong lĩnh vực nhà hàng và lưu trú, tỷ lệ này là gần 60%, theo Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha.

Cristóvão Lopes sở hữu một khách sạn 170 phòng ở khu vực phía Nam Algarve, nơi thường thu hút khách Bắc Âu đến tránh rét. Năm ngoái, khi công việc kinh doanh sụt giảm 85%, chính phủ đã hỗ trợ chi trả một phần tiền lương cho nhân viên ông. Riêng ông được nhận khoản trợ cấp nhỏ và hoãn phải trả một nửa số nợ của mình. Lopes ước tính rằng công việc kinh doanh sẽ chỉ trở lại bình thường vào năm 2023.

Tuy nhiên, việc chính sách hoãn nợ sẽ kết thúc vào tháng 9 tới, khi mà các khách sạn hoạt động bình thường thậm chí sẽ vào mùa thấp điểm. " không thể tạo ra đủ thanh khoản cho đến lúc đó", Lopes nói và cho rằng không thể mong đợi các doanh nghiệp đi từ 0 đến 100% trong một đêm.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố kế hoạch hỗ trợ giai đoạn tiếp theo, khi chính sách hoãn nợ kết thúc vài tháng tới. Theo đó, họ sẽ tiếp tục bảo lãnh một số khoản vay để đổi lấy việc ngân hàng cho phép giãn nợ. Tất nhiên, điều này cũng mang lại rủi ro riêng. Theo đó, các khoản vay tồn động sẽ trở thành trách nhiệm của chính phủ Bồ Đào Nha, nơi mà nợ công giờ đã hơn 130% GDP, bằng với mức từng ghi nhận trong thập kỷ trước.

          4. Australia lùi thời hạn kết luận điều tra về bán phá giá dây đai thép phủ màu

Muộn nhất vào ngày 13/8/2021, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) sẽ ban hành kết luận cuối trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với dây đai thép phủ màu từ Việt Nam…

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam (mã vụ việc 553).

Như vậy, đây là lần thứ tư ADC thông báo gia hạn thời gian ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ việc trên. Theo đó, Kết luận cuối cùng dự kiến sẽ được ban hành muộn nhất vào ngày 13/8/2021.

Vụ việc trên được Australia khởi xướng điều tra ngày 27/5/2020. Nguyên đơn là Công ty TNHH Signode Australia. Hàng hóa bị điều tra là dây đai thép carbon phủ màu, cuộn hoặc không cuộn, có hoặc không được đánh bóng bằng sáp, với chiều rộng danh nghĩa từ 12mm đến 32mm, độ dày danh nghĩa từ 0,5 mm đến 1,5 mm. Hàng hóa được loại trừ khỏi phạm vi điều tra là dây đai thép không gỉ và dây đai thép mạ kẽm. Thời kỳ điều tra bán phá giá và trợ cấp là từ 1/4/2019 đến 31/3/2020 và thời kỳ điều tra thiệt hại là từ 1/4/2016.

Ngày 23/4/2021, ADC đã ban hành Kết luận điều tra sơ bộ và bản thông tin về dữ liệu trọng yếu trong vụ việc. Theo đó, ADC cho rằng Chính phủ Việt Nam không can thiệp vào thị trường nguyên liệu để doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá; biên độ bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không đáng kể và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Australia. Do vây, trong kết luận sơ bộ, ADC cho rằng không cần thiết áp dụng biện pháp ký quỹ thuế chống bán phá giá tạm thời đối với dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam.

Trong quá trình vụ việc diễn ra, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp, trao đổi với các Bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo sự hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của ADC.

Kết luận sơ bộ của ADC đã chứng minh hiệu quả của công tác tác phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, cũng như sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Cơ quan điều tra nước ngoài trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.