![](/media/cache/f9/12/f91296bfcf58dfcde6bd83f084748db3.jpg)
1. WTO nỗ lực giám sát các biện pháp thương mại liên quan đến Covid-19
Tại cuộc họp chính thức của Ủy ban Tiếp cận thị trường vào ngày 01/05/2021, các thành viên WTO nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy tính minh bạch hơn trong việc truyền thông và thông báo các biện pháp thương mại liên quan đến Covid-19. Ban Thư ký WTO đã trình bày báo cáo tóm tắt về các hạn chế xuất khẩu và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại liên quan đến đại dịch của các thành viên.
Báo cáo chỉ ra rằng 29 quốc gia thành viên WTO đã thực hiện 48 biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu do Covid-19. Phần lớn các biện pháp hạn chế xuất khẩu do các thành viên đưa ra dưới dạng chương trình cấp phép xuất khẩu không tự động (38,5%), tiếp theo là lệnh cấm hoàn toàn hoặc cấm xuất khẩu (34,6%) và cấm có điều kiện (25%).
Chỉ có 10 quốc gia thành viên đã thông báo về việc chấm dứt các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu là Úc, Bahrain, Bangladesh, Ai Cập, Liên minh châu Âu, Moldova, Na Uy, Thụy Sĩ, Ukraine và Việt Nam - việc mà nhiều thành viên khác vẫn chưa làm được.
Ban Thư ký WTO cũng đã tóm tắt các biện pháp đã được các thành viên thực hiện để tạo thuận lợi cho thương mại, hầu hết liên quan đến việc miễn hoặc loại bỏ thuế quan và các loại thuế khác đối với các sản phẩm thiết yếu để chống lại đại dịch COVID-19. Ngoài ra, còn có một số biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan.
2. ( HS ) sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022
HS là danh pháp Hệ thống hài hòa (mã HS) do Tổ chức hải quan thế giới (WCO), được sử dụng trên toàn thế giới để phân loại thống nhất hàng hóa giao dịch quốc tế và đã được tất cả các Bên ký kết Công ước Hệ thống hài hòa chấp nhận, đóng vai trò làm cơ sở cho các biểu thuế hải quan và để tổng hợp số liệu thống kê thương mại quốc tế.
HS thường được WCO sửa đổi từ bốn đến sáu năm một lần. HS 2022 là ấn bản thứ bảy của danh pháp Hệ thống hài hòa. Những thay đổi được giới thiệu trong HS2022 bao gồm việc công nhận các nhóm sản phẩm mới mà trước đây chưa có trong phân loại và làm rõ các thay đổi để củng cố phân loại chính xác của một số sản phẩm nhất định. Mục tiêu là giải quyết các mô hình thương mại đang thay đổi thông qua việc công nhận các dòng sản phẩm cao cấp hoặc sản phẩm mớicũng như các vấn đề môi trường và xã hội được toàn cầu quan tâm, chẳng hạn như sức khỏe và an toàn, bảo vệ xã hội và cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp và khủng bố.
Các danh mục mới được tạo ra để phân loại nhiều loại sản phẩm, bao gồm rác thải điện và điện tử, thuốc lá mới và các sản phẩm dựa trên nicotine, thiết bị bay không người lái (drone), điện thoại thông minh, sợi thủy tinh, giả dược và bộ dụng cụ thử nghiệm lâm sàng cho y tế nghiên cứu, vật liệu phóng xạ và tủ an toàn sinh học cũng như các hạng mục cần thiết cho việc chế tạo các thiết bị nổ tự chế.
3. Các nước ngoài ASEAN đã thông qua RCEP
Ngày 16/05/2021, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo quốc gia này đã hoàn tất tiến trình thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi nước này trình văn kiện thông qua tới Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá, RCEP sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành dịch vụ tại các nước thành viên sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại dịch vụ.
Ngày 28/05/2021, Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua việc tham gia thỏa thuận RCEP. Sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.
4. EU áp dụng mẫu chứng thư mới đối với một số sản phẩm có nguồn gốc động vật
Tại quy định (EU) số 2020/2235 của Ủy ban châu Âu liên quan tới mẫu chứng thư một số sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu vào EU, có hiệu lực từ ngày 21/05/2021, thời gian chuyển tiếp đến hết ngày 21/8/2021, có một số nội dung cần lưu ý. Cụ thể: Mẫu chứng thư cho sản phẩm thủy sản, nhuyễn thể, giáp xác sống, đùi ếch, ốc, gelatine, collagen, sản phẩm composite từ nước thứ 3 xuất khẩu vào EU hiện đang được áp dụng trên TRACESNT (ban hành tại các Phụ lục I và III của Quy định (EU) số 2019/628 ngày 08/4/2019) sẽ được chuyển đổi tham chiếu tương ứng tại các Chương của Phụ lục III Quy định (EU) số 2020/2235 kể từ ngày quy định này có hiệu lực; Một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm composite tại Phụ lục 2 (Chi tiết các phụ lục xin liên hệ Ban biên tập).
- Nhà Trắng thúc đẩy mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
Ông Daleep Singh, Phó cố vấn an ninh quốc gia kiêm Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ cho rằng nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục các đồng minh áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu được thúc đẩy bởi cả yếu tố kinh tế và an ninh quốc gia. “Đó không chỉ là vấn đề về thuế. Đó còn là vấn đề làm thế nào để chúng tôi tài trợ cho các sáng kiến mà chúng tôi cho là trọng tâm trong công cuộc đổi mới trong nước", ông Singh nói trên đài CNBC.
Theo lý giải của Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, việc có được sự thống nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đối với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ tạo cơ hội các quốc gia thành viên OECD cạnh tranh dựa trên khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện năng lực của lao động cho tương ứng.
Bộ Tài chính Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực thuyết phục các quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Bộ này hôm 20/5 đề xuất áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, đồng thời nhấn mạnh đề xuất này được nhiều quan chức nước ngoài ủng hộ trong các cuộc trao đổi tuần qua. Ông Singh cho biết, áp dụng một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ giúp các chính phủ có nguồn thu tốt hơn từ các dự án quan trọng đối với an ninh quốc gia.
"Chiến lược an ninh quốc gia của chúng tôi dựa trên sự đổi mới trong nước. Vì vậy, với những thách thức mà tôi đã đề cập trước đó - sự bất bình đẳng mà chúng tôi quan sát được, tầm quan trọng to lớn của việc giải quyết một cuộc khủng hoảng khí hậu hiện hữu, và việc người dân rời bỏ lực lượng lao động, chính phủ phải đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết những thách thức đó".
Bộ Tài chính Mỹ lưu ý rằng đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%, thấp hơn mức dự báo, nên được coi là mức sàn và các cuộc đàm phán cuối cùng có thể nâng mức thuế cao hơn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp trên thế giới. Nếu có một liên minh các quốc gia nhất trí mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở múc 15%, điều này có thể giúp các chính phủ tăng thu.
Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đang là vấn đề gây tranh cãi trong Liên minh châu Âu, bởi các quốc gia thành viên đang áp dụng các mức thuế doanh nghiệp khác nhau và muốn thu hút doanh nghiệp tên tuổi đầu tư vào quốc gia họ bằng cạnh tranh thuế. Đơn cử, thuế doanh nghiệp của Ireland hiện ở mức 12,5%, trong khi thuế suất này tại Pháp lên tới 31%.
Đức hoan nghênh đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% của Mỹ. "Đây thực sự là một tiến bộ lớn", Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hôm 21/5 bình luận sau đề xuất của Mỹ. "Chúng tôi rất vui vì có vẻ như chúng tôi sẽ có giải pháp vào mùa hè năm nay. Và chính quyền mới của Mỹ tạo ra sự khác biệt bởi họ nói rằng việc đó là khả thi", Bộ trưởng Olaf Scholz nói với các phóng viên ở Lisbon, Bồ Đào Nha. "Đây là cơ hội tốt nhất để thực hiện một cuộc cải cách thuế toàn cầu để chống lại cuộc đua xuống đáy", ông Scholz nói thêm.
Mỹ hiện áp thuế doanh nghiệp ở mức 21%, nhưng Tổng thống Joe Biden dự kiến tăng lên 28% và hy vọng các nước khác sẽ áp dụng mức thuế cao hơn.
Theo một nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức tư vấn chính sách thuế Tax Foundation, mức thuế doanh nghiệp bình quân ở các quốc gia thành viên OECD là 23,5%. Những người ủng hộ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu chỉ trích một số quốc gia, thông qua các biện pháp giảm thuế và ưu đãi khác nhau, thường thu hút các tập đoàn đến đầu tư bằng các kế hoạch đánh thuế lỏng lẻo.
Khi được hỏi về nỗ lực của chính quyền Biden trong việc thuyết phục các quốc gia đang áp thuế doanh nghiệp thấp hơn, ông Singh cho biết ông và các cộng sự nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một sân chơi bình đẳng về chính sách thuế.
"Doanh nghiệp lâu nay cạnh tranh dựa trên thuế suất của [các quốc gia]. Đó là một cuộc chạy đua hủy diệt xuống đáy khiến mọi người trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt là người lao động, những người đang tạo ra tỷ trọng ngày càng tăng trong nguồn thu thuế của chúng tôi", ông Singh nói thêm.
"Vì vậy, đề xuất của chúng tôi là thống nhất một mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn trên toàn thế giới. Và sau đó, chúng tôi cạnh tranh dựa trên khả năng đổi mới sáng tạo, sự năng động của lực lượng lao động, và lợi thế công nghệ", ông Singh nhấn mạnh.
Ông Ed Mills, chuyên gia phân tích của Ngân hàng đầu tư Mỹ Raymond James đánh giá, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% phù hợp với những nơi chính quyền Biden cho rằng thuế doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất sau khi các khoản khấu trừ được tính đầy đủ. Đề xuất này còn thấp hơn mức thuế suất 19% mà Tổng thống Obama từng đưa ra, ông Ed Mills cho biết thêm.
- Mỹ kêu gọi thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sẽ phối hợp với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để thống nhất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng khẳng định việc khôi phục vai trò của Mỹ trong quan hệ đa phương sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu cũng như lợi ích của Mỹ.
Tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu tổ chức hôm 5/4, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế doanh nghiệp đã kéo dài 30 năm qua.
Bà Yellen cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo các chính phủ "có hệ thống thuế ổn định nhằm cân đối nguồn thu cho hàng hóa công thiết yếu và ứng phó với các cuộc khủng hoảng, đồng thời đảm bảo gánh nặng tài chính của chính phủ được san sẻ công bằng tới mọi công dân".
Đề xuất trên của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là vấn đề cốt lõi được Washington đặt ra trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD. Theo đó, Mỹ muốn tăng thuế doanh nghiệp lên 28% và ấn định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 21%, bên cạnh quy định miễn thuế đối với các khoản thu nhập từ những quốc gia không áp dụng mức thuế tối thiểu. Chính quyền Mỹ cho biết kế hoạch này nhằm hạn chế các công ty chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết các quan chức tài chính nhóm G20 sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến thuế toàn cầu tại cuộc họp ngày 7/4. "Thuế đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển, và điều quan trọng là thế giới phải tìm được hướng đi đúng", Chủ tịch WB nhấn mạnh trên kênh truyền hình CNBC.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này, bà sẽ đem các vấn đề biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận vắc xin của các quốc gia nghèo ra thảo luận, đồng thời kêu gọi các nước tích cực hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục hậu Covid-19.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã ủng hộ thêm 650 tỷ USD vào nguồn dự trữ của IMF, điều mà người tiền nhiệm Steven Mnuchin đã phản đối vào năm ngoái. Bộ trưởng Janet Yellen khẳng định sẽ làm việc với các tổ chức và đối tác quốc tế về các mục tiêu giảm phát thải cacbon. Cùng với đó, bà Yellen cũng đã loại bỏ đề xuất của người tiền nhiệm về việc tiến hành đàm phán thuế doanh nghiệp toàn cầu - một đề xuất có thể giúp các công ty công nghệ lớn của Mỹ có "bến đỗ an toàn" trước bất kỳ quy định mới về thuế dịch vụ số.
- Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời
Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Ấn Độ. Các sản phẩm bị điều tra là pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS: 8541.40. 11; 8541.10.12. Nguyên đơn từ Ấn Độ cáo buộc pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có hành vi bán phá giá.
Bộ Công Thương vừa có thông tin về việc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với pin năng lượng mặt trời của Việt Nam. Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Ấn Độ. Hiệp hội này đại diện cho 3 công ty Ấn Độ, bao gồm Mundra Solar PV Limited, Jupiter Solar Power Limited và Jupiter International Limited.
Nguyên đơn cáo buộc pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có hành vi bán phá giá, là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất ở Ấn Độ. Các sản phẩm bị điều tra là pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS: 8541.40. 11; 8541.10.12. Thời kỳ điều tra là từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020. Thời kỳ điều tra thiệt hại là từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chưa cung cấp chi tiết biên độ bán phá giá cáo buộc đối với từng sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc các mã HS 8541.40.11; 8541.10.12. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%).
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ sẽ gửi Bản câu hỏi cho các doanh nghiệp sản xuất/ xuất khẩu được biết tới (Known producers/exporters). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ này thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp cần chủ động liên lạc với Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi.
Khuyến nghị của Cục phòng vệ Thương mại Việt Nam đối với các doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp cần đăng ký tham gia làm bên liên quan để nhận Bản câu hỏi và cập nhật các thông tin liên quan. Đồng thời, các doanh nghiệp cân nhắc sử dụng luật sư, đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá tại thị trường Ấn Độ để đạt kết quả kháng kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, các công ty phải đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi theo đúng thời hạn và thể thức quy định.
Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Ấn Độ. Mục đích của việc này là yêu cầu Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xem xét toàn diện và nghiêm túc lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Ấn Độ.Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại để nhận được thông tin và hỗ trợ kịp thời.
Cục Phòng vệ và Thương mại Việt Nam cũng lưu ý những hành động bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại và Công nghiệp Án Độ sử dụng các chứng cứ bất lợi có sẵn, làm căn cứ cho việc áp dụng mức thuế chống bán phá giá do nguyên đơn đề xuất.
Việc bị áp thuế chống bán phá giá cao sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ cạnh tranh Ấn Độ và đến từ các quốc gia khác.
- Bộ trưởng Xuất khẩu Anh: tiềm năng lớn cho Việt Nam
Bộ trưởng phụ trách Xuất khẩu Vương Quốc Anh Graham Stuart cũng cho biết có rất ít thị trường trên thế giới mang lại tiềm năng lớn hơn Việt Nam. Vương Quốc Anh hiện có 419 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký đầu tư hơn 3,9 tỷ USD, xếp thứ 15 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo trực tuyến về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vừa diễn ra, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiệp định đã mở ra một chương mới đối với Việt Nam và Vương Quốc Anh, thúc đẩy, nâng cao mối quan hệ giữa hai nước về kinh tế, thương mại và đầu tư.
“Chúng tôi đánh giá cao doanh nghiệp Vương Quốc Anh về năng lực tài chính, công nghệ, thị trường cũng như trình độ quản lý và mong muốn có thêm nhiều sự hợp tác với doanh nghiệp Anh”. Bộ trưởng Dũng nói.
Vương Quốc Anh và Việt Nam thời gian qua có quan hệ ngoại giao chặt chẽ nhưng quan hệ thương mại và đầu tư chưa phát triển tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của hai bên. Đây là cơ hội tốt đề Việt Nam và Vương Quốc Anh tận dụng hợp tác, hỗ trợ và bổ sung cho nhau vì lợi ích của cả hai nền kinh tế.
Việt Nam được đánh giá đang thực hiện khá thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Năm vừa qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu trên thế giới. Dự kiến, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5-7% trong năm nay. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư tin rằng với những điều kiện Việt Nam đang có như thị trường năng động, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực... được cải tổ mạnh mẽ, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng dành cho giới trẻ, tri thức và doanh nghiệp Vương Quốc Anh đến sinh sống, làm việc và đầu tư.
Đồng tình, Bộ trưởng phụ trách Xuất khẩu Vương Quốc Anh Graham Stuart cho biết theo ước tính, vào cuối thập kỷ này, khoảng 2/3 tầng lớp trung lưu trên thế giới sẽ tập trung ở châu Á - Thái Bình Dương. Có rất ít thị trường trên thế giới mang lại tiềm năng lớn hơn Việt Nam, đối tác thương mại đáng tin cậy với nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng phát triển và cơ hội vô song cho doanh nghiệp Anh.
“Mối quan hệ thương mại Việt Nam - Vương Quốc Anh đang phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở việc Việt Nam ủng hộ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và việc ký kết FTA gần đây. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ tiếp tục gia tăng giá trị thương mại giữa hai quốc gia, vốn đã tăng gấp ba lần trong một thập kỷ qua, đạt 5,8 tỷ GBP vào 2019”,
Là một trong những tổ chức tài chính Anh quốc hoạt động lâu nhất tại Việt Nam với hơn 150 năm, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết doanh nghiệp Việt Nam và Vương Quốc Anh có tiềm năng to lớn để tăng cường hợp tác hơn nữa trong những năm tới, đặc biệt thông qua hiệp định UKVFTA.
“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của dòng FDI, đặc biệt là từ Vương Quốc Anh. Chúng tôi vui mừng được trở thành đối tác chính thức của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc giới thiệu thêm nhiều doanh nghiệp Anh đến hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với sứ mệnh của HSBC là ‘mở ra một thế giới có nhiều cơ hội’ cho khách hàng”.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, UKVFTA là một động lực đối với cả Việt Nam và Vương Quốc Anh nhằm khuyến khích doanh nghiệp Anh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, giáo dục, tư vấn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dược phẩm tiến vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, các nhà sản xuất ở Việt Nam có thể thu được lợi nhuận từ việc xuất khẩu các sản phẩm như đồ điện tử, giày dép, hàng dệt may, đồ gỗ, v.v. Bên cạnh việc khuyến khích dòng chảy thương mại song phương, UKVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Hiện Vương Quốc Anh đang là nhà đầu tư lớn thứ năm trên toàn cầu nhờ tích cực theo đuổi chiến lược “Nước Anh toàn cầu”. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Vương Quốc Anh hiện có 419 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký đầu tư hơn 3,9 tỷ USD, xếp thứ 15 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (08-06-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (08-06-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (08-06-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (08-06-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (08-06-2021)