- Cách thức để ASEAN tận dụng cơ hội tăng trưởng mới
Trong quá trình tái mở cửa an toàn và khôi phục kinh doanh, các nền kinh tế ASEAN cũng phải quản lý các thách thức ngày càng gia tăng và xác định cách tốt nhất để nắm bắt các cơ hội mới. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa cho rằng trong quá trình tái mở cửa an toàn và khôi phục kinh doanh, các nền kinh tế ASEAN cũng phải quản lý các thách thức ngày càng gia tăng và xác định cách tốt nhất để nắm bắt các cơ hội mới nhằm phục hồi một cách linh hoạt, toàn diện và bền vững.
Trong bài phân tích đăng trên tờ Jakarta Post, nhà lãnh đạo ADB cho rằng thách thức đầu tiên đối với ASEAN là cuộc xung đột Nga-Ukraine vốn đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề và làn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự tiếp xúc trực tiếp của ASEAN với Nga và Ukraine thông qua thương mại và đầu tư có vẻ hạn chế. Nhưng với việc giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lạm phát đang nhảy vọt. Các nước ASEAN nhập khẩu ròng dầu mỏ đang đối mặt với những thách thức đáng kể với hóa đơn gia tăng. An ninh lương thực và chuỗi cung ứng mỏng manh cũng đối mặt với nguy cơ cao hơn.
Thách thức thứ hai đến từ việc điều chỉnh lãi suất ở Mỹ, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng. Chênh lệch lãi suất ngày càng cao giữa các nền kinh tế ASEAN và Mỹ cùng với sự thay đổi niềm tin của nhà đầu tư có thể đột ngột đảo ngược dòng vốn, khiến đồng tiền mất giá và gây bất ổn tài chính. Để duy trì đà phục hồi, ASEAN phải cảnh giác và chuẩn bị các hành động tập thể nhằm ngăn chặn bất ổn tài chính khu vực. Đặc biệt, các nhà chức trách cần quản lý cẩn thận các tác động tổng hợp từ sự tăng giá dầu mỏ, động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ và việc dỡ bỏ dần các biện pháp kích thích tài khóa.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đang phải đối mặt với ba ưu tiên chính sách quan trọng, gồm tăng cường hợp tác khu vực nhằm đảm bảo phục hồi mạnh mẽ; tăng cường huy động nguồn lực trong nước; mở rộng quy mô đầu tư cho tăng trưởng xanh và toàn diện. Hợp tác khu vực có thể mở đường cho quá trình phục hồi bền vững. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế và thương mại toàn cầu, thương mại và đầu tư khu vực mạnh mẽ đã tạo cho ASEAN một vùng đệm.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu năm nay được kỳ vọng sẽ mở rộng vùng đệm này. ADB vẫn sẽ là đối tác đáng tin cậy của các nền kinh tế khu vực trong lĩnh vực này thông qua việc cung cấp tài trợ thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tri thức.
Việc thúc đẩy thị trường vốn và trái phiếu nội tệ cũng rất quan trọng. ADB đang hỗ trợ điều này thông qua Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á - ASEAN+3 (ABMI). ABMI nhằm mục đích nuôi dưỡng thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ như một nguồn tài trợ thay thế cho các khoản vay ngân hàng bằng ngoại tệ, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về tiền tệ và kỳ hạn trong tài trợ đầu tư của khu vực, đồng thời giảm nguy cơ tổn thương tài chính.
ADB cũng hỗ trợ phát triển và phát hành các sản phẩm trái phiếu xanh, xã hội và bền vững nhằm giúp các chính phủ đầu tư cho phát triển môi trường bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường khả năng phục hồi. Các nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng thông qua hợp tác khu vực, tăng cường an ninh y tế khu vực và tăng cường cơ chế giám sát dịch bệnh là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro và duy trì đà phát triển bền vững.
Ưu tiên thứ hai của ASEAN là huy động hiệu quả các nguồn lực trong nước. Điều này rất quan trọng để khôi phục tính bền vững tài khóa nhằm duy trì các nỗ lực phục hồi hậu đại dịch và cấp vốn cho các nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Ở khía cạnh này, ASEAN có nhiều khả năng cải thiện do mức huy động thu ngân sách từ thuế còn tương đối thấp. Một số thành viên ASEAN đã tăng cường hệ thống quản lý thuế của mình thông qua các giải pháp kỹ thuật số.
ADB đang làm việc với các nền kinh tế nhằm đơn giản hóa các quy trình nộp thuế, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện và cải thiện công tác xây dựng chính sách thuế. Hợp tác thuế quốc tế là chìa khóa để chống trốn thuế và gian lận thuế. Để thúc đẩy điều này thông qua việc chia sẻ kiến thức, phối hợp chính sách và quản lý thuế, ADB đã ra mắt Trung tâm thuế châu Á-Thái Bình Dương.
Ưu tiên thứ ba của ASEAN là mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, thích ứng với khí hậu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dễ bị tổn thương bởi một số tác động tàn phá nhất của biến đổi khí hậu, và những tác động này dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Đồng thời, khu vực này cũng là nguồn phát thải hơn 50% lượng khí nhà kính toàn cầu hàng năm. Cần nhận ra rằng thắng bại của cuộc xung đột chống biến đổi khí hậu sẽ được quyết định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tham vọng của ADB là cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu trong giai đoạn 2019-2030, bao gồm 34 tỷ USD cho các dự án thích ứng nhằm giúp các nước khu vực ứng phó với thách thức khí hậu. Quỹ xúc tiến tài trợ xanh ASEAN (ACGF) - thuộc sở hữu của tất cả các nước thành viên ASEAN và được quản lý cùng với ADB - đang hỗ trợ phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh.
ACGF đã huy động được 2 tỷ USD nguồn lực công và tư với sự hỗ trợ từ 9 đối tác, bao gồm các dự án đồng tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Italy, Anh và Quỹ Khí hậu Xanh trong khuôn khổ Nền tảng Phục hồi Xanh được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow (COP26) hồi năm ngoái. ACGF giúp giảm thiểu rủi ro trong đầu tư xanh và thu hút nguồn vốn tư nhân bằng cách cung cấp các khoản vay để trang trải chi phí vốn ban đầu cao và các khoản tài trợ nhằm hỗ trợ các chính phủ khi trong quá trình xác định và chuẩn bị các dự án cơ sở hạ tầng xanh khả thi về mặt thương mại.
Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) là một chương trình sáng tạo khác do Indonesia, Philippines và ADB phát động vào năm ngoái. ETM tìm cách thúc đẩy nguồn vốn tư nhân và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch trong ASEAN. Cơ chế này nhằm mục đích ngừng hoạt động sớm đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than; mở rộng quy mô các giải pháp năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; và đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và hợp lý.
ETM sẽ cung cấp nguồn tài chính chi phí thấp bằng cách kết hợp tài chính công ưu đãi, đầu tư của khu vực tư nhân và nguồn lực từ các tổ chức từ thiện. Cơ chế sáng tạo này có tiềm năng trở thành mô hình giảm thiểu carbon lớn nhất trên thế giới. Chủ tịch ADB, Masatsugu Asakawa, cho rằng trong bối cảnh quá trình phục hồi ASEAN hậu đại dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cao trào, các sáng kiến hợp tác khu vực vẫn sẽ là yếu tố quan trọng để quản lý các thách thức ngày càng tăng và nắm bắt các cơ hội mới nhằm xây dựng một tương lai vững mạnh hơn.
- APEC: Thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm
Cam kết về phát triển bền vững và bao trùm là một trong những mục tiêu quan trọng của APEC trong thời gian tới. Nhằm xác định và giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp xã hội trong khu vực APEC đang phải đối mặt, từ ngày 30/3 - 1/4, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức "Hội thảo APEC về thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm".
Doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm
Trên tinh thần cam kết của APEC về tính bền vững và bao trùm, các nhà lãnh đạo APEC đã khẳng định trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao APEC năm 2021 rằng “Chúng ta cần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh và sự tham gia bình đẳng vào nền kinh tế cho tất cả người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau” và đảm bảo “mức hỗ trợ chưa từng có cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19”.
Cam kết về sự phát triển bền vững và bao trùm cũng đã được phản ánh trong các diễn đàn và các nhóm công tác APEC thông qua ưu tiên tập trung vào phát triển hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Là một phần của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xã hội có vai trò quan trọng góp phần quan trọng góp phần thực hiện các cam kết của APEC trong việc theo đuổi sự thịnh vượng chung nhờ vào sự năng động và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới đã quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp xã hội nhờ những đóng góp đáng kể và tích cực của họ trong giải quyết các vấn đề xã hội, tạo cơ hội việc làm và xóa đói giảm nghèo thông qua chiến lược kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về kinh doanh bao trùm năm 2018, các doanh nghiệp xã hội ngày càng có vai trò và đóng góp to lớn trong thực tế. Ước tính, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bao trùm chiếm khoảng 10 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư vào mô hình này chiếm 81% tổng đầu tư kinh doanh bao trùm, tiếp theo là các hoạt động kinh doanh bao trùm chiếm 17% và hoạt động doanh nghiệp xã hội 2%.
Ngoài ra, theo Ủy ban châu Âu, lĩnh vực doanh nghiệp xã hội hiện sử dụng khoảng 40 triệu lao động và thu hút hơn 200 triệu tình nguyện viên trên toàn cầu. Con số này vẫn tiếp tục đang phát triển. Phát biểu tại “Hội thảo APEC về thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm”, ông Markus Dietrich - Giám đốc chính sách tại Mạng lưới hành động kinh doanh bao trùm cho biết, kinh tế bao trùm có 4 đặc điểm chính: chủ động tham gia và là nền tảng của kim tự tháp kinh tế, theo đuổi các mục tiêu tài chính, mở rộng mô hình kinh doanh và đo lường, quản lý tác động của mô hình kinh doanh ấy.
Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận xét, với sự xuất hiện và kéo dài của dịch Covid-19 thách thức nền kinh tế toàn cầu, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu do tiếp cận không công bằng với các cơ hội kinh doanh và phúc lợi xã hội. “Trên tinh thần đó, doanh nghiệp xã hội có thể góp phần thu hẹp khoảng cách, khai thác cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương qua phương pháp kinh doanh bền vững, thay vì dựa trên các hoạt động từ thiện truyền thống”.
Nhiều thách thức phải đối mặt
Tuy nhiên, cũng theo các nghiên cứu này, chỉ có khoảng 1.900 doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu tăng trưởng bao trùm đang hoạt động tại các nền kinh tế APEC, 61% trong số đó được coi là hoạt động bao trùm với phần lớn các doanh nghiệp thực hiện như một chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, 15% là các mô hình kinh doanh bao trùm chủ yếu được thực hiện bởi các công ty vừa và lớn trong nước, và 24% là các sáng kiến doanh nghiệp xã hội. Tính theo khu vực, mô hình kinh doanh bao trùm đặc biệt phát triển ở châu Á (26%), tiếp theo là châu Mỹ Latinh (20%) và các nền kinh tế phát triển APEC (8%).
Trên thực tế, các doanh nghiệp xã hội phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, xã hội, kinh tế và vấn đề quản trị… vì doanh nghiệp xã hội hướng tới mục tiêu đạt được sứ mệnh và lợi ích xã hội lớn hơn cho cộng đồng trong khi vẫn dựa trên mô hình kinh doanh vì lợi nhuận và cạnh tranh, do vậy, thách thức của họ cũng nhiều hơn các doanh nghiệp truyền thống vốn chỉ tập trung vào vấn đề lợi nhuận.
Nhìn chung, ngoài các chính sách ưu đãi chung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu có, các doanh nghiệp xã hội không có các ưu đãi riêng cụ thể từ Chính phủ. Ngoài ra, doanh nghiệp xã hội cũng gặp phải những khó khăn như thiếu hỗ trợ về kinh phí, khả năng mở rộng quy mô, thiếu chiến lược kinh doanh phù hợp…
Nhằm giải quyết các thách thức đặt ra, chuyên gia Markus Dietrich cho rằng, APEC nên khuyến khích các nền kinh tế thành viên xây dựng một môi trường thuận lợi hơn đối với kinh tế bao trùm, ví dụ như có thể phát triển hệ thống công nhận đối với lĩnh vực này. Các tổ chức doanh nghiệp và tổ chức quốc nội cần phải nắm vai trò thúc đẩy, tuyên truyền các thực tiễn tốt nhất của nền kinh tế bao trùm, đồng thời phổ biến các mô hình thành công giữa các nước thành viên.
Chuyên gia cũng nhận định, khu vực APEC cần tận dụng cơ chế của mình để thành lập hệ sinh thái hỗ trợ cho kinh tế bao trùm, ví dụ như thành lập các cơ quan phát triển, ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính, tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức nghiên cứu. Bên cạnh đó, các đối tác phát triển có thể hỗ trợ APEC trong việc cung cấp kinh phí cho chương trình hỗ trợ đối với nền kinh tế bao trùm. Các đối tác có thể tài trợ cho các kế hoạch chiến lược thúc đẩy mô hình này, các giải thưởng, hội thảo, hội nghị,…
- Quy định về thuế và hạn ngạch đối với gạo nhập khẩu vào Bắc Âu
Là thành viên EU, cơ chế, chính sách đối với nhập khẩu gạo của Thụy Điển và Đan Mạch hoàn toàn theo cơ chế, chính sách của EU. Mặc dù Na Uy không phải là thành viên EU nhưng nằm trong Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Do vậy, các qui định về nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Na Uy, cũng như Thụy Điển và Đan Mạch tuân thủ theo các qui định chung của EU về an toàn thực phẩm.
Tất cả các loại thực phẩm, bao gồm gạo, được bán tại Liên minh Châu Âu (EU) phải tuân thủ theo Luật Thực phẩm châu Âu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các qui định về chất phụ gia, chất ô nhiễm, giới hạn đối với mức độ tồn dư thuốc trừ sâu và độc tố nấm phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các yêu cầu phổ biến nhất liên quan đến chất gây ô nhiễm liên quan đến sự hiện diện của độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và kim loại nặng. Ngoài ra, nông sản, thực phẩm vào EU phải tuân thủ các qui định liên quan đến bao gói, nhãn mác và nhiều qui định khác. Tham khảo thêm các qui định này tại báo cáo:
Các qui định nhập khẩu nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu.
Về thuế:
Hiện nay, thuế ngoài hạn ngạch EU (trong đó có Thụy Điển và Đan Mạch) áp lên gạo Việt Nam là 175 Euro/tấn với gạo xay xát, 65 Euro/tấn với gạo tấm và 211 Euro/tấn với thóc.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó quy định cụ thể điều kiện đối với các loại gạo được hưởng ưu đãi. Cam kết cụ thể như sau:
EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%;
Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm;
Sản phẩm từ gạo: xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan.
Về hạn ngạch
Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Về cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo trong Hiệp định EVFTA đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (Cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Arable Cops and Olive Oil, DG Agriculture and Rural Development).
Các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên và phải nộp số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép.
Trong trường hợp số lượng đăng ký vượt quá số lượng có sẵn theo TRQ cho giai đoạn, EU sẽ cố định một hệ số phân bổ.
Việc mở và tiếp nhận TRQ đối với gạo có xuất xứ từ Việt Nam được qui định tại Quy định thực thi (EU) 2020/991.
Các lô hàng gạo thơm thuộc diện TRQ khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo TRQ của Hiệp định.
Gạo thơm phải thuộc một trong số các loại sau:
Hoa nhài 85
ST 5, ST 20
Nàng Hoa 9
VD 20
RVT
OM 4900
OM 5451
Tài Nguyên Chợ Đào
Gạo nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-served), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.
Tại Na Uy, gạo nằm trong nhóm thuế thấp hoặc không thuế. Các mặt hàng nằm trong nhóm này thường là các mặt hàng Na Uy không sản xuất. Các mặt hàng trong nhóm này thường bị áp hạn ngạch thuế quan. Việc cấp hạn ngạch thuế quan thông qua nhiều hình thức. Một số hạn ngạch áp dụng cho tất cả các nước, trong khi một số chỉ dành cho các nước có thoả thuận thương mại song phương hoặc khu vực, một số hạn ngạch ưu đãi thuế dành cho các nước đang phát triển trong chương trình GSP. Hạn ngạch thuế quan cũng có thể được cấp thông qua đấu giá, nộp đơn xin, hoặc theo nguyên tắc ưu tiên những người yêu cầu trước (first come, first served basic).
- EU phê duyệt sử dụng hoạt chất Chitosan trong bảo quản sau thu hoạch
Ngày 21/3/2022, EU ban hành Quy định số (EU) 2022/456 phê duyệt sử dụng hoạt chất Chitosan mức độ tối đa 20 mg/kg, mở rộng sử dụng trong bảo quản sau thu hoạch, xử lý thực phẩm, và bảo vệ thực vật đối với số cây ăn quả. EU phê duyệt sử dụng hoạt chất Chitosan trong bảo quản sau thu hoạch
Quy định này phù hợp với Quy định (EC) số 1107/2009 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng ngày 21 tháng 10 năm 2009 liên quan đến việc đưa các sản phẩm bảo vệ thực vật ra thị trường và sửa đổi Phụ lục về Quy định Thực hiện (EU) số 540/2011. Quy định này có hiệu lực từ ngày 11 tháng 4 năm 2022.
Thông tin chi tiết xin tham khảo tại: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv%3AOJ.L_.2022.093.01.0138.01.ENG&toc=OJ%3AL%3A2022%3A093%3ATOC#ntr1-L_2022093EN.01014101-E0001
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-05-2022)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-05-2022)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-05-2022)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-05-2022)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-05-2022)