BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁNG 04/2021 (17-05-2021)

I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế

 

  1. ASEAN+3 nhất trí phối hợp chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ thanh khoản cho các nước Đông Nam Á

        Tại hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN và hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn-Trung-Nhật, các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và khối các quốc gia ASEAN đã quyết định chuẩn bị phương án phối hợp chính sách trung và dài hạn trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ tài chính (Fintech) và đầu tư cơ sở hạ tầng. Hàn Quốc đảm nhiệm vai trò nước dẫn dắt “nhóm làm việc công nghệ tài chính”, lập phương án phối hợp chính sách nhằm phát triển công nghệ tài chính trong khu vực.

         Liên quan đến “Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai” (CMIM), với mục đích hỗ trợ các nước Đông Nam Á về khả năng thanh khoản trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngoại hối, các nước nhất trí thay đổi các quy định cho đến cuối năm nay nhằm không chỉ hỗ trợ bằng đồng USD mà còn hỗ trợ bằng các loại tiền tệ trong khu vực.

          Các vấn đề được thảo luận và quyết định tại Hội nghị Thứ trưởng nói trên sẽ được xác định tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 diễn ra vào tháng 5 tới

  1. Phát triển công nghệ nhằm nâng cao khả năng quản lý rủi ro và tăng cường thuận lợi hóa thương mại

       Đây là mục tiêu của hội thảo Chia sẻ Kinh nghiệm trực tuyến khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AP) diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/4/ 2021do Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) tổ chức với sự tham gia của đại diện 17 quốc gia thành viên AP và các diễn giả từ Ban Thư ký WCO, tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO), Hoa Kỳ, Ủy ban quốc  gia về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), phòng thương mại quốc tế, các nhà cung cấp giải pháp khu vực tư nhân và giới học thuật.

       Hội thảo tập trung vào việc sử dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo..., thảo luận về các phát hiện  và chia sẻ các bài học kinh nghiệm như vai trò của quan hệ đối tác công tư, cách thức hỗ trợ, sử dụng công nghệ để nâng cao khả năng quản lý rủi ro và phát hiện mối đe dọa tự động, giải pháp theo dõi và các yêu cầu quản trị, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, mô hình Dữ liệu WCO và vai trò của nó trong việc đạt được khả năng tương tác và thương mại không cần giấy tờ. Hội thảo cũng đã đưa ra một số khuyến nghị  để triển khai các công nghệ này trong tương lai nhằm vừa tăng cường thuận lợi hóa thương mại vừa đảm bảo tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế

  1. Thương mại thế giới bắt đầu  phục hồi nhưng không đồng đều sau khủng hoảng đại dịch COVID-19

          Theo ước tính mới của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến sẽ tăng 8,0% vào năm 2021 sau khi giảm 5,3% vào năm 2020, tiếp tục phục hồi sau sự giảm sút do đại dịch gây ra vào quý 2 năm ngoái.

         Tăng trưởng thương mại sau đó sẽ chậm lại còn 4,0% vào năm 2022 và đại dịch COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại. Triển vọng phục hồi tích cực trong ngắn hạn của thương mại toàn cầu có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực.

        Thương mại dịch vụ tiếp tục yếu kém và thời gian biểu tiêm chủng bị bị trì hoãn, đặc biệt là ở các nước nghèo nên COVID-19 tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng thương mại, do những làn sóng lây nhiễm mới có thể dễ dàng làm suy yếu bất kỳ hy vọng phục hồi nào.Trong trung và dài hạn, nợ công và thâm hụt cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có nợ lớn.

          Phần lớn nhu cầu nhập khẩu toàn cầu sẽ được đáp ứng bởi châu Á, xuất khẩu từ đó dự kiến sẽ tăng 8,4% vào năm 2021. Xuất khẩu của châu Âu sẽ tăng mạnh, dự báo ở mức 8,3%. Xuất khẩu ở Bắc Mỹ sẽ tăng ít hơn với mức 7,7%. Trong khi đó, Nam Mỹ sẽ tăng chậm, dự kiến đạt mức 3,2%, và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) cũng chỉ tăng quanh mức 4,4% , Italia thông qua gói hỗ trợ 32 tỷ EUR

           Đây là gói hỗ trợ nhằm vực dậy nền kinh tế Italia trước khủng hoảng đại dịch và các hạn chế liên quan đã khiến GDP của nước này giảm 8,9% trong năm 2020.

Để kích thích kinh tế, Italia ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp và lao động, đồng thời chống đói nghèo. Trong đó, khoảng 11 tỷ EUR sẽ được dành cho các doanh nghiệp và lao động tự do bị mất ít nhất một phần ba doanh thu vào năm 2020 do các biện pháp đóng cửa tạm thời vì COVID-19 

  1. Tháo gỡ các hạn chế thương mại trong quá trình thực thi hiệp định về biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm (SPS)

         Tại cuộc họp của Ủy ban về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật vào ngày 25 và 26/4/2021, các thành viên WTO đã thảo luận về một Tuyên bố SPS khả thi chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Geneva vào cuối năm nay.

        Các thành viên cũng đã thống nhất giải quyết một số lượng lớn các vấn đề quan tâm trong quá trình thực thi hiệp định về biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm, đặc biệt là những cơ hội và áp lực mới liên quan đến thương mại quốc tế về thực phẩm, động vật và thực vật. 11 trong số 46 vấn đề quan tâm về thương mại đã được trao đổi, thống nhất giải quyết bao gồm các hạn chế và thủ tục phê duyệt nhập khẩu các sản phẩm động vật và thực vật, chính sách thuốc trừ sâu và mức dư lượng tối đa (MRL), các hành động liên quan đến COVID-19 ảnh hưởng đến thương mại.

          Ngoài ra, các thành viên cũng thảo luận về các yêu cầu chứng nhận đối với thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, phê duyệt niêm yết mới và khôi phục các cơ sở xuất khẩu, việc gia hạn ủy quyền cho các doanh nghiệp thực vật, thủy sản và chăn nuôi, và sự chậm trễ về mặt hành chính trong thủ tục phê duyệt.

  1. Chủ tịch Fed: Mỹ sẽ kéo kinh tế toàn cầu hồi phục 

Mỹ sẽ khiến các nền kinh tế phát triển khác "hít khói" trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Bất luận thế nào thì Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn cho rằng khả năng cao là sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ từ đại dịch Covid-19 sẽ giúp các nền kinh tế "đang ở vạch xuất phát" tìm chỗ đứng của mình, chẳng hạn như châu Âu.

"Nhu cầu của Mỹ đang tăng rất mạnh mẽ, khi nền kinh tế Mỹ tốt lên cũng sẽ hỗ trợ hoạt động toàn cầu", ông Powell nhận định trong cuộc họp báo diễn ra ngày 17/3 sau cuộc họp chính sách mới nhất của Fed.

"Khi nền kinh tế Mỹ mạnh lên thì sức mạnh đó có xu hướng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu", Chủ tịch Fed nói thêm.

Ông Powell đưa ra nhận định trên khi được hỏi về những triển vọng tăng trưởng khác biệt rõ rệt về các nền kinh tế lớn gần đây, đặc biệt là giữa Mỹ - nơi chương trình tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng và các khoản cứu trợ liên bang trong vài tháng qua đã lên tới gần 3.000 tỷ USD, và châu Âu - nơi chương trình tiêm vaccine kháng Covid-19 đang bị chậm lại còn các gói cứu trợ được phê duyệt nhiều tháng trước nhưng vẫn trong tình trạng lấp lửng.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed hôm 17/3 dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 - mức cao nhất kể từ những năm 1980. Lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng này của Fed cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với dự báo của cơ quan này vào tháng 12/2020. Nếu đúng được như dự báo của Fed, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng kinh ngạc 10 điểm phần trăm so với mức suy giảm 3,5% trong năm 2020.

Ngược lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, người đồng cấp xuyên Đại Tây Dương của ông Powell, cho biết nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể suy giảm trong quý I/2021. Các nhân viên ECB dự báo tăng trưởng của khu vực này sẽ đạt 4% trong năm 2021.

"Tôi không lo ngại về ngắn hạn - ý tôi là tôi muốn thấy châu Âu phát triển nhanh hơn, tôi muốn thấy việc triển khai vaccine Covid-19 diễn ra suôn sẻ hơn - còn tôi không lo lắng quá nhiều về chúng tôi (kinh tế Mỹ) trong thời gian tới bởi chúng tôi đang trên đà phát triển rất tốt, sắp có hỗ trợ tài chính rất mạnh, hiện nay quá trình tiêm chủng đang diễn ra nhanh chóng và các ca nhiễm đang sụt giảm", ông Powell nhấn mạnh.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay không chỉ bỏ xa châu Âu, mà kết quả thăm dò tháng 2 của Reuters ước tính kinh tế Nhật Bản cũng sẽ suy giảm trong quý I/2021 và tăng trưởng năm tài khóa 2021 sẽ chỉ đạt mức 3,6%.

Nhu cầu của Mỹ tăng mạnh mẽ được đánh giá sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản. Một diễn biến đáng hoan nghênh của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là cơ quan này đang xem xét đánh giá lãi suất trong cuộc họp chính sách 2 ngày kết thúc vào ngày mai 19/3.

Các thị trường đang tập trung theo dõi những động thái chính sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có đủ bền vững để vượt qua cuộc chiến kéo dài với lạm phát và xem Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ đánh giá ra sao về triển vọng phục hồi mong manh của nền kinh tế này.

"Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là rất rõ ràng. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản sẽ được phục hồi nhờ nhu cầu bên ngoài hồi phục vững chắc", bà Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Daiwa (Nhật Bản) cho biết.

"Nhưng chỉ riêng nhu cầu bên ngoài sẽ không đẩy lạm phát (Nhật Bản) tăng lên, lạm phát sẽ tiếp tục suy giảm trừ khi tiêu dùng tăng lên", bà Mari Iwashita nói thêm.

Trước đây, sự khác biệt trong dự báo tăng trưởng và chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đôi khi gây ra nhiễu loạn thị trường. Không chỉ chứng khoán mà thị trường trái phiếu và tiền tệ đều đi theo quyết định của Fed.

"Chúng tôi đã trải qua những đợt phục hồi khác nhau, giống như chúng tôi đã làm sau cuộc khủng hoảng gần đây nhất. Trong trường hợp này, cũng như trường hợp khác, sự phục hồi của Mỹ đang dẫn dắt sự phục hồi toàn cầu", ông Powell đánh giá.

  1. Fed dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng cao nhất trong 40 năm

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và dự báo Mỹ đang hướng tới tăng trưởng 6,5%, mức cao nhất trong gần 40 năm qua.

"Dữ liệu tốt đẹp đang ở phía trước chúng ta", Chủ tịch Fed Jerome Powell tự tin khẳng định sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày kết thúc vào ngày 17/4.

Các quan chức Fed kỳ vọng sẽ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bứt phá lên mức 6,5% trong năm 2021 nhờ gói kích thích tài khóa liên bang quy mô lớn (1.900 tỷ USD - BTV) và triển vọng lạc quan từ thành công của vaccine Covid-19.

"Các tấm séc (kích thích tài khóa) đang được triển khai... Số ca nhiễm Covid-19 đang giảm xuống", ông Powell lưu ý, đồng thời nhấn mạnh việc tiêm phòng vaccine Covid-19 tại Mỹ đang tiến triển nhanh chóng. Những nỗ lực này khiến một nhóm các quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ hy vọng tăng trưởng của nước này trong năm 2021 sẽ sánh ngang với Trung Quốc, chưa kể sẽ nhanh chóng vượt qua tăng trưởng của châu Âu và Nhật Bản.

Các quan chức Fed kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tới, ở mức 3,3% vào năm 2022 và 2,2% vào năm 2023, so với mức tăng trưởng tiềm năng dài hạn ước tính chỉ khoảng 1,8%.

Trong khi lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 2,4% trong năm 2021, cao hơn mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chủ tịch Fed lý giải mức tăng lên 2,4% được xem là một đợt tăng tạm thời và sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của Fed về việc giữ lãi suất cơ bản gần 0% trong nỗ lực đảm bảo các vết thương kinh tế do đại dịch Covid-19 sẽ được chữa lành hoàn toàn.

Đã có sự thay đổi phần nào trong số các ý kiến của 18 nhà hoạch định chính sách của Fed. Trong đó, 4 thành viên kỳ vọng lãi suất cần phải được đẩy lên vào năm 2022 còn 7 thành viên khác muốn tăng lãi suất vào năm 2023. Nhưng xét mức tăng lạm phát dự kiến trong năm 2021 cộng với việc không có phản ứng chính sách nào, có thể thấy Fed đã giữ đúng khuôn khổ chính sách mới của mình và cam kết không phản ứng thái quá khi những dấu hiệu tăng giá đầu tiên xuất hiện.

Các quan chức Fed hiện kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiềm chế ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Đây được xem là "canh bạc" được tính toán theo cách tiếp cận mới của Fed khi họ nhấn mạnh đến việc vừa tăng trưởng việc làm, vừa giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Ông Powell lưu ý rằng phần lớn thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang thuộc Fed kỳ vọng không tăng lãi suất cho đến ít nhất năm 2024. Chủ tịch Fed cũng khẳng định còn quá sớm để nói về việc thu hẹp chương trình mua vào trái phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp trị giá 120 tỷ USD/tháng để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Trong tuyên bố chính sách của mình, Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ thống nhất giữ lãi suất cơ bản trong ngưỡng 0-0,25%. "Chúng tôi cam kết cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để nền kinh tế trở lại trạng thái có việc làm tối đa càng nhanh càng tốt", ông Powell nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau khi Fed công bố các dự báo kinh tế mới và chính sách mới nhất.

"Chúng ta thực sự vẫn chưa xong. Chúng ta rõ ràng đang đi trên một con đường tốt. Nhưng chúng ta vẫn chưa xong, và tôi rất ghét khi thấy chúng ta lơ là mất tập trung... Có khoảng 10 triệu người cần phải quay trở lại làm việc", Chủ tịch Fed nói.

Thị trường chứng khoán và trái phiếu kho bạc Mỹ đêm qua thở phào sau quyết định chính sách của Fed. Chứng khoán Mỹ đêm qua đóng cửa trong sắc xanh với chỉ số S&P 500 và chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đều lập đỉnh, còn phần sau của đường cong lợi suất trái phiếu bạc Mỹ vẫn đi lên.

Anthony Denier, Giám đốc điều hành sàn giao dịch Webull cho biết: "Có rất nhiều lo ngại về việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây tăng lên, nhưng phản ứng chính sách rất ôn hòa của Fed đối với triển vọng kinh tế mạnh mẽ là một sự thở phào nhẹ nhõm".

Còn Seema Shah, chuyên gia trưởng trưởng tại Công ty tư vấn giải pháp đầu tư Principal Global Investors đánh giá, nếu nhìn vào sự gián đoạn và biến động kinh tế năm 2020, động thái mới đây của Fed là điều đáng kinh ngạc.

  1. Hỗ trợ tài chính cho cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng

Quỹ Khí hậu xanh (GCF) vừa qua đã hỗ trợ 86,3 triệu USD để phát triển thị trường tài chính thương mại cho đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam, với 11,3 triệu USD được ký hiệp định viện trợ không hoàn lại và một khoản bảo lãnh hỗ trợ tài chính trị giá 75 triệu USD. Theo  nghiên  cứu  của  Ngân  hàng  thế giới

- World Bank (WB) về phát thải carbon thấp, ước tính Việt Nam có thể giảm được đầu tư mới 11 GW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng. Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước khoảng 3,6 tỷ USD.

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng chính là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc: Đáp ứng nhu cầu năng lượng, chống ô nhiễm và giảm phát thải khí nhà kính đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Là một quốc gia có cường độ năng lượng và cường độ phát thải thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển phát thải carbon thấp. Khoản viện trợ không hoàn lại và khoản bảo lãnh nói trên được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như các mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Riêng khoản viện trợ không hoàn lại, sẽ dành 8,3 triệu USD để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh sẽ được dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro để cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại trong nước quản lý rủi ro khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.

Thông qua hỗ trợ giảm rủi ro cho vay, quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại cho phép các doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng được vay theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản bảo đảm thấp.