![](/media/cache/2f/60/2f609cf8528c3d3806296c769edac959.jpg)
I.Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế
- Chuỗi cung ứng dịch vụ chuyển dịch từ toàn cấu hóa sang khu vực hóa
Thương mại toàn cầu suy giảm kéo dài có thể thúc đẩy các quốc gia xem xét lại sự phụ thuộc giữa nền kinh tế của họ với các yếu tố nội tại, và kiểm soát những thiệt hại tiềm ẩn bằng cách phân tán rủi ro đến từ mô hình phân bổ cơ sở sản xuất như hiện nay.
Các quốc gia trên khắp thế giới đã thiết lập một loạt các biện pháp kiểm soát xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Mặc dù các biện pháp này có thể đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong sản lượng kinh tế toàn cầu cũng như kim ngạch thương mại quốc tế. Đại dịch cũng ảnh hưởng sâu sắc đến chuỗi giá trị toàn cầu của các nước lớn. Những sự kiện trên có khả năng để lại hệ lụy lâu dài, khi mà những xáo trộn kinh tế chưa từng có sẽ là chất xúc tác làm thay đổi các mẫu hình của đường cầu, xáo trộn chính sách thương mại hoặc tạo ra sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất. Đến lượt mình, các yếu tố này sẽ làm thay đổi chuỗi giá trị trong tương lai.
Chuỗi giá trị toàn cầu có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy tăng khả năng sản xuất và thúc đẩy đầu tư cũng như giải quyết việc làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống. Mỗi phần của chuỗi cung ứng được liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu các hoạt động trong một phần nào đó của chuỗi cung ứng bị đứt gãy, những tác động xấu này sẽ lan rộng ra toàn bộ chuỗi cung ứng, và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giúp nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro phát sinh từ việc chuyển đổi cơ sở sản xuất, và nhu cầu làm rõ mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Đây là những yếu tố quan trọng trong việc xác định cấu trúc chuỗi giá trị trong tương lai. Sự hiểu biết sâu sắc về cách thức mà những thay đổi này diễn ra sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý hiệu quả các rủi ro và cho phép các nhà sản xuất mở rộng thị phần trên thị trường toàn cầu.
Covid-19 đã khiến thương mại toàn cầu giảm mạnh. Triển vọng kinh tế toàn cầu đang có vẻ mơ hồ vì mọi quốc gia đang phải vật lộn với những khó khăn về cả cung và cầu trên thị trường. Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi với tốc độ không đồng nhất, các quốc gia khác nhau phục hồi với tốc độ khác nhau. Phân tích dự báo tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2020 đến năm 2025 chỉ ra rằng các ngành công nghiệp nhạy cảm với doanh thu (những ngành sản xuất hàng hóa có độ co giãn của cầu sản phẩm theo mức giá cao) sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi. Chuỗi cung ứng trong ba thập kỷ qua ngày càng trở nên toàn cầu hơn. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng hàng hóa và những dịch vụ có khả năng giao dịch cao. Các yếu tố chính tác động đến khả năng giao dịch là chi phí vận chuyển và tính chất dễ hư hỏng của sản phẩm.
Đối với hàng hóa có kích thước lớn và chi phí vận chuyển cao, việc sản xuất hàng hóa ở khu vực có chi phí thấp và vận chuyển thuận lợi là một lựa chọn hợp lý. Các chi phí sản xuất giảm dần (cùng với việc cải thiện hiệu quả trong vận tải quốc tế) đã khuyến khích nhiều công ty chuyển sang mô hình có nguồn cung ứng toàn cầu, cho phép họ tận dụng lợi ích của tìm nguồn lao động, nguyên vật liệu và đất đai với chi phí thấp hơn.
Việc sử dụng thầu phụ ngày càng nhiều là một yếu tố góp phần dẫn đến sự phát triển của các chuỗi cung ứng. Các yếu tố như ‘hàng hóa trung gian có độ phức tạp cao’, ‘quy trình sản xuất đòi hỏi chuyên gia’, và ‘nhà sản xuất nhận ra tầm quan trọng của khả năng thích ứng linh hoạt để có thể điều chỉnh trước sự biến động của nhu cầu’ đã thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện thuê thầu phụ.
Chuyển đổi chuỗi giá trị toàn cầu
Trong ngắn hạn, sự bùng phát dịch bệnh buộc nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới để cố gắng giảm tốc độ lây nhiễm trong nước. Điều này đã gây ra sự chậm lại trong hoạt động kinh tế, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm mức tiêu dùng. Cùng với sự sụt giảm trong xuất nhập khẩu, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Về lâu dài, dịch bệnh cũng có thể để lại những vết sẹo sâu sắc cho các nền kinh tế toàn cầu, mặc dù tác động mang tính chuyển đổi đã được dự đoán trước. Điều này là do năng suất lao động giảm và tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống dưới mức tiềm năng, để lại một khoảng trống không thể khôi phục được trong sản lượng. Các doanh nghiệp sẽ cần phải linh hoạt và nhanh nhẹn hơn trong việc ứng phó với những thách thức trong tương lai. Thương mại toàn cầu suy giảm kéo dài có thể thúc đẩy một số quốc gia xem xét lại sự phụ thuộc giữa nền kinh tế của họ với các yếu tố nội tại và việc kiểm soát những thiệt hại tiềm ẩn bằng cách phân tán rủi ro phát sinh từ sự phân bố của các cơ sở sản xuất. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình chuỗi giá trị toàn cầu trong tương lai.
Những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu, cùng với những hệ quả của COVID-19, hiện đang định đoạt những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, các công ty hiện đang cố gắng loại bỏ một số phức tạp trong chuỗi giá trị, đồng thời cũng cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa địa điểm sản xuất với đất nước của họ. Họ cũng đang hướng tới việc thiết lập các cơ sở sản xuất ở nhiều nước để giảm nguy cơ thiệt hại trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng khác.
Các nước hiện đang tìm kiếm các kênh phân phối hàng hóa gần nơi sản xuất hơn. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ chứng kiến quá trình tái cấu trúc các chuỗi giá trị, rút ngắn khoảng cách hơn, ngày càng đa dạng hóa vvà khu vực hóa hơn.
Nguồn: Business World
2. CẢNH BÁO 11 MẶT HÀNG XUẤT KHẨU CÓ NGUY CƠ BỊ ĐIỀU TRA PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI, GIAN LẬN XUẤT XỨ
Bộ Công thương vừa có thông báo danh sách 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra ấp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Cụ thể, 11 mặt hàng gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình ga, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Hoa Kỳ và EU.
Trong đó, đáng chú ý là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Hoa Kỳ điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại (PVTM) từ tháng 10/2019. Từ tháng 6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và hiện chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.
Với mặt hàng tủ gỗ có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM và lẩn tránh thuế với kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ đạt 2.267 triệu USD trong năm 2020, tăng vọt hơn 65% so với năm 2019. Xu hướng tăng đặc biệt thấy rõ kể từ tháng 3/2019 khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.
Sản phẩm đá nhân tạo cũng có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 đạt 118,2 triệu USD tăng hơn 57% so với năm 2019. Theo Cục PVTM, từ thời điểm tháng 6/2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng mạnh.
Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của hai đối tác này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.
Được biết, so với danh sách công bố vào quý III/2020, danh sách này có nhiều mặt hàng được tạm thời đưa ra khỏi danh sách cảnh báo do kim ngạch không có sự tăng trưởng đột biến và tỷ trọng thị phần nhập khẩu từ Việt Nam không đáng kể, bao gồm: khớp nối bằng thép, bánh xe thép và thép tiền chế.
Danh sách này được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại PVTM hoặc các biện pháp PVTM khác với các nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam.
3.Kinh tế toàn cầu "cảnh giác" với những rủi ro tiềm ẩn
BNEWS Trong kịch bản kỳ vọng lạc quan, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới vẫn có tính không xác định tương đối lớn, các thị trường mới nổi đặc biệt phải đề phòng với những rủi ro tiềm ẩn.
Theo tờ Minh báo, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng năm 2021 kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng 5,6%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2020.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 thêm 0,3 điểm phần trăm, lên 5,5%.
Tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo lạc quan chủ yếu xuất phát từ ba lý do. Thứ nhất, năm 2020 tăng trưởng kinh tế của các nước bị cản trở do dịch bệnh tấn công, hiệu ứng cơ sở thấp là nguyên nhân quan trọng để dữ liệu so sánh với cùng kỳ năm 2020 của năm nay chuyển biến tích cực.
Thứ hai, trong cuộc chạy đua với dịch bệnh, xác suất thành công của vaccine đang tăng lên. Cùng với việc ngày càng nhiều quốc gia gấp rút triển khai tiêm chủng vaccine, bước ngoặt trong việc kiểm soát dịch bệnh sẽ đến nhanh, và hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của các nước cũng sẽ tăng tốc song hành.
Thứ ba, chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà một số quốc gia thực hiện tiếp tục bơm thanh khoản mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Trong kịch bản kỳ vọng lạc quan, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới vẫn có tính không xác định tương đối lớn, các thị trường mới nổi đặc biệt phải đề phòng với những rủi ro tiềm ẩn. Sau khi dịch bệnh bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn cầu.
Việc các thị trường mới nổi đón nhận dòng vốn chảy mạnh vào với quy mô lớn trong ngắn hạn khiến đồng nội tệ tăng giá. Một khi kinh tế Mỹ phục hồi vượt kỳ vọng, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, từ đó có thể dẫn đến tình trạng các nước mới nổi đối diện với áp lực tháo chạy của dòng vốn, thậm chí kích hoạt giá tài sản lao dốc và tỷ giá hối đoái sụt giảm mạnh (đồng nội tệ mất giá).
Ngoài ra, do tiến trình tiêm chủng vaccine của các nước không đồng nhất, nên xu hướng dịch bệnh cũng tồn tạị tính không đối xứng, và điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ tương đối lớn đối với hầu hết các thị trường mới nổi và các nước phát triển.
So với các nước phát triển, tiến trình hồi phục của các nước mới nổi dễ bị ràng buộc bởi không gian chính sách hơn. Trong giai đoạn phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, dường như tất cả các nước phát triển đều đã thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để ổn định thị trường tài chính, cải thiện nền kinh tế thực trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi hoặc bị trói buộc bởi sức ép nợ nần, hoặc do lo ngại đồng nội tệ mất giá và dòng vốn tháo chạy nên năng lực thực hiện chính sách vĩ mô ngược chu kỳ tương đối yếu, không gian tương đối hẹp, dẫn đến việc phục hồi kinh tế sau sự tấn công của dịch bệnh lần này cũng tương đối chậm chạp.
Trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, sự hợp tác ứng phó của các nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Chỉ khi tình hình dịch bệnh của tất cả các nước và khu vực được khống chế hiệu quả, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới có thể được cải thiện thực sự.
Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế vẫn phải tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối vaccine, điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ chính sách cho các nước đang phát triển để thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng thoát khỏi bóng đen suy thoái dưới sự tấn công của dịch bệnh./.
4. Vai trò của Kiểm toán nội bộ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19: Trường hợp của Ngân hàng Trung ương các nước Đông Nam Á và khuyến nghị cho Việt Nam
Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 là một cú sốc có quy mô và tính chất chưa từng có, ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất và đời sống của tất cả các quốc gia, lĩnh vực và mọi người dân trên phạm vi toàn cầu, tác động làm thay đổi mạnh mẽ trên khía cạnh tư duy, cách thức, phương pháp và môi trường làm việc.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện một số biện pháp như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, xây dựng lại quy trình làm việc, thực hiện giãn cách xã hội, làm việc tại nhà và một số chính sách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Những thay đổi này đã dần hình thành nên trạng thái “bình thường mới” trong cuộc sống hàng ngày. Hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) nói riêng cũng không phải là ngoại lệ, chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19 trong việc nghiên cứu ban hành các chính sách quản lý, quản trị điều hành cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu bảo đảm ổn định hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động của Kiểm toán nội bộ (KTNB) NHTW.
Trong bối cảnh đó, NHTW với vai trò và vị trí quan trọng của mình đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia đều nhanh chóng xây dựng chiến lược nội bộ đảm bảo hoạt động liên tục của NHTW, sự thông suốt cho hệ thống tài chính và hướng tới các mục tiêu nhiệm vụ về ổn định tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Hầu hết các NHTW đã phản ứng kịp thời và mạnh mẽ, nhất quán với mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sự vận hành của thị trường và truyền tải hiệu quả của chính sách tiền tệ trong đại dịch Covid-19, triển khai đầy đủ các công cụ xử lý khủng hoảng, chủ yếu tập trung vào giảm bớt các căng thẳng tài chính và đảm bảo dòng chảy tín dụng phục vụ hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế. Để hỗ trợ NHTW trong việc tham mưu chiến lược và quản trị rủi ro, KTNB cũng đã kịp thời chuyển đổi thích ứng với yêu cầu hoạt động NHTW trong tình hình mới.
Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi đề cập một số nội dung liên quan đến vai trò và thách thức đối với hoạt động KTNB nói chung trong đại dịch Covid-19; đánh giá khả năng, cách thức ứng phó của KTNB NHTW một số nước Đông Nam Á với cương vị là tuyến phòng thủ thứ ba trong mô hình kiểm soát nội bộ hiện đại và đưa ra một số khuyến nghị cho KTNB Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu của mình.
Vai trò của KTNB trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19
Tại Hội thảo trực tuyến do Viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA-The Institute of Internal Auditors) tổ chức vào đầu quý II/2020, với sự tham gia của hơn 2.500 kiểm toán viên nội bộ từ nhiều nước trên thế giới, đã đặt ra yêu cầu phải xác định rõ chức năng nào trong hoạt động KTNB bị tác động mạnh nhất từ đại dịch Covid-19 đối với đơn vị. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 45% số người được khảo sát cho biết tổ chức đã phải đánh giá lại rủi ro và cập nhật lại hồ sơ đánh giá rủi ro khi đại dịch Covid-19 xảy ra; 39% câu trả lời cho biết tổ chức đã phải cập nhật lại kế hoạch kiểm toán, từ đó thay đổi thời gian, phương thức dự kiến kiểm toán đối với một số dự án; 31% số người được khảo sát cho biết tại tổ chức, các biện pháp kiểm soát nội bộ cốt lõi bị tác động mạnh do không thể thực hiện phương thức truyền thống trong điều kiện giãn cách xã hội…
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cách thức cũng như phương pháp hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, trong đó có hoạt động KTNB. Từ quan điểm của kiểm toán viên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể hành vi và cách tiếp cận của họ về việc thực hiện đánh giá, từ đánh giá trực tiếp đến đánh giá từ xa. Để hỗ trợ kiểm tra từ xa, chắc chắn cần phải có sự điều chỉnh và chuyển đổi riêng biệt, điều này cũng đi kèm với những thách thức về năng lực của kiểm toán viên, những thay đổi trong quy trình thực hiện kiểm toán cũng như tối ưu hóa công nghệ. Với vai trò là một bộ phận độc lập với các hoạt động của doanh nghiệp, KTNB không chỉ dừng lại ở mức kiểm tra tuân thủ, ứng phó mà còn đóng vai trò tư vấn để gia tăng giá trị cho tổ chức. Do đó, hơn bao giờ hết, tuyến phòng thủ thứ ba cần có sự thay đổi mạnh mẽ để ứng phó kịp thời với cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra để hỗ trợ hoạt động của các đơn vị được an toàn và hiệu quả, tư vấn cho các nhà quản lý và hội đồng quản trị về dịch chuyển rủi ro và kiểm soát chung, giúp dự đoán và phòng ngừa các rủi ro phát sinh.
5. Các tổ chức quốc tế kêu gọi đảm bảo lưu thông thương mại toàn cầu
BNEWS Các tổ chức quốc tế cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.
Trong Phiên thảo luận cấp cao khai mạc Sự kiện Hỗ trợ thương mại 2021 mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cùng với lãnh đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho chu chuyển thương mại toàn cầu lưu thông để đảm bảo rằng các nước đang phát triển và kém phát triển nhất được tiếp cận với các mặt hàng y tế thiết yếu để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và có thể tận dụng thương mại để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững.
Lãnh đạo các tổ chức quốc tế nói trên cho rằng cộng đồng thương mại toàn cầu phải nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng COVID-19 đối với các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC) do các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự gián đoạn thương mại và kinh tế phát sinh từ đại dịch.
Từ việc cung cấp các sản phẩm y tế như khẩu trang cho đến việc phê duyệt và sản xuất vaccine, hệ thống thương mại đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi kinh tế và thương mại sau đại dịch.
Theo Tổng giám đốc WTO, đại dịch hiện đang đảo ngược những thành tựu phát triển khó giành được, làm tăng thêm những vấn đề mà những người dễ bị tổn thương nhất phải đối mặt. Việc khôi phục hậu COVID-19 không được bỏ sót bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào.
Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này phải là triển khai nhanh chóng sản xuất vaccine toàn cầu để chấm dứt đại dịch. Các nước cần hợp tác thương mại nhiều hơn để giải quyết các nút thắt về nguồn cung, giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo thuận lợi cho thương mại và tài trợ cho việc mua vaccine.
Ngoài ra, việc giữ cho thị trường toàn cầu tiếp tục chu chuyển là điều cần thiết cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Các tổ chức quốc tế và Thành viên hợp tác trong Sáng kiến Hỗ trợ Thương mại đã tạo ra sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của người dân.
Phối hợp cùng nhau đầu tư vào sự phục hồi của các đối tác thương mại là điều nên làm, bởi việc xây dựng lại một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các nước.
Các nhà lãnh đạo cũng lưu ý rằng thương mại dịch vụ cũng đang tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc duy trì chu chuyển hàng hóa và lương thực và kêu gọi kiểm soát các hạn chế xuất khẩu.
Một sự phục hồi kinh tế toàn diện, mạnh mẽ và xanh sẽ đòi hỏi thị trường mở và tiếp tục huy động tài chính để giúp các nước đang phát triển và các nước LDC xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai và giảm nghèo cùng cực.
Thông qua sự kiện Hỗ trợ thương mại, cộng đồng toàn cầu có thể giúp giải quyết nhu cầu thương mại của các quốc gia này để các nước có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong thương mại toàn cầu và đáp ứng các mục tiêu phát triển.
Các chiến lược cụ thể bao gồm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho đầu tư, đầu tư vào hệ thống y tế, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và giải quyết các vấn đề về nợ và cán cân thanh toán.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch COVID-19 là một minh chứng cho thấy y tế và kinh tế là hai lĩnh vực gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau. Khi sức khỏe gặp rủi ro, mọi thứ đều có nguy cơ gặp rủi ro.
Nhưng khi sức khỏe được bảo vệ và thúc đẩy, các cá nhân, gia đình, cộng đồng, nền kinh tế và quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ. Đại dịch này sẽ dần kết thúc, nhưng sẽ có một đại dịch khác. Và các quốc gia sẽ tiếp tục đối mặt với vô số thách thức về y tế, làm suy giảm năng suất, thúc đẩy bất bình đẳng và kìm hãm các quốc gia.
- KẾ HOẠCH Tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt (09-04-2021)
- MỜI THAM GIA HỘI CHỢ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT NĂM 2024 (09-04-2021)
- Mời tham gia Đoàn giao dịch thương mại và đầu tư tại Cộng hoà Ba Lan, Cộng hoà Séc và Thụy Sỹ (09-04-2021)
- Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về công nghệ sản xuất và chế biến Rau, Hoa, Quả HORTEX VIETNAM 2025 (09-04-2021)
- “Hội chợ Triển lãm Xúc tiến Thương mại Vùng Biên giới - Đồng Tháp năm 2024”. (09-04-2021)