BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁNG 01/2022 (18-02-2022)

  1. Các hoạt động phục vụ thuận lợi hóa thương mại Quốc tế
  1. Chính sách “Không COVID-19” của Trung Quốc và tác động đối với thị trường toàn cầu

Theo nhận định của Mansoor Mohi-uddin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore, được đăng trên tờ Financial Times ngày 5/1/2022, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược kiểm soát chặt chẽ và đóng cửa biên giới hiện tại cho đến cuối năm 2022. Trong bối cảnh đó, các biện pháp kiểm soát này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2022.

Nếu đợt bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron lắng xuống vào cuối tháng Ba, Trung Quốc sẽ có cơ hội rõ ràng để “hạ nhiệt” các biện pháp phòng, chống đại dịch và mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài. Việc gỡ bỏ sớm những hạn chế sẽ hỗ trợ cho nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Năm 2021, Trung Quốc đã trải qua mô hình phục hồi hình chữ V với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể đã tăng gần 8%.

Tuy nhiên, kể từ mùa Hè, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại nhanh chóng, tiêu thụ nội địa chịu tác động nghiêm trọng từ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc thiếu điện. Đầu tư vào bất động sản chịu ảnh hưởng bởi các quy định thắt chặt đối với doanh nghiệp bất động sản, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị hạn chế do chính quyền địa phương vay vốn chậm.

Tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã phản ứng bằng cách cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng thương mại để giải phóng thanh khoản. Lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm giảm lần đầu tiên sau gần hai năm và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn.

Việc sớm chấm dứt chính sách “Không COVID-19” (Zero COVID-19) của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy hoạt động và tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ kỳ vọng hàng năm là 5,5% vào năm 2022. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19 trước tháng 1. Chiến lược này của Trung Quốc đã giữ cho tỷ lệ tử vong ở mức thấp một cách ấn tượng nhưng việc giảm phơi nhiễm có thể làm giảm khả năng miễn dịch trong dân số.

Ngoài ra, biến thể Omicron có thể kiểm tra tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Nếu chính phủ từ bỏ chiến lược của mình trong vài tháng tới, điều này có thể dẫn đến bùng phát một làn sóng dịch COVID-19 mới. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho việc Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa và duy trì các biện pháp phòng dịch chặt chẽ trong suốt cả năm 2022. Điều này sẽ tác động đáng kể đến các thị trường toàn cầu.

Thứ nhất, tiêu thụ sẽ vẫn giảm ở Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới mức xu hướng vào năm 2022, từ đó hạn chế nhu cầu hàng hóa. Sự vắng mặt của du khách Trung Quốc ở nước ngoài cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể sẽ ở mức kỷ lục. Trong thời kỳ đại dịch, xuất khẩu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ ở nước ngoài trong khi nhập khẩu bị hạn chế do tiêu thụ trong nước chậm hơn. Năm 2022, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với một đồng USD mạnh hơn khi Cục dự trữ liên bang Mỹ kết thúc việc nới lỏng định lượng và cân nhắc tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ, được củng cố bởi thặng dư bên ngoài của Trung Quốc, có khả năng vẫn ổn định so với đồng đô la Mỹ.

Thứ ba, thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc sẽ giúp giữ cho lợi tức trái phiếu toàn cầu ở mức thấp. Điều này đặc biệt quan trọng trong năm 2022. Thị trường chứng khoán đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch vì lãi suất vẫn ở mức thấp lịch sử. Điều này khiến giới đầu tư bắt đầu lo ngại rằng thị trường trái phiếu có thể lao dốc nếu lạm phát không giảm.

Tuy nhiên, chiến lược “Không COVID-19” của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các tài sản rủi ro bằng cách hạn chế tiêu dùng và nhập khẩu đồng thời giữ thặng dư thương mại ở mức cao. Một số nhà đầu tư hy vọng Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng thị trường toàn cầu có thể hoạt động tốt hơn một cách đáng ngạc nhiên nếu các quan chức Trung Quốc không đưa ra thay đổi nào cho đến cuối năm nay.

  1. ASEAN và Hàn Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế cùng có lợi

Diễn đàn kết nối ASEAN lần thứ 9 do ASEAN và Hàn Quốc tổ chức sẽ tập trung vào các nội dung “cơ sở hạ tầng bền vững” và “đổi mới kỹ thuật số,” được rút ra từ 5 lĩnh vực chiến lược. Trung tâm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc có kế hoạch phối hợp với Hiệp hội nhà thầu quốc tế Hàn Quốc (ICAK) tổ chức Diễn đàn kết nối ASEAN lần thứ 9 vào ngày 18-19/1.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, diễn đàn trực tuyến này sẽ tập trung vào các nội dung “cơ sở hạ tầng bền vững” và “đổi mới kỹ thuật số,” được rút ra từ 5 lĩnh vực chiến lược trong “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025." Diễn đàn sẽ bắt đầu với các bài phát biểu quan trọng của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Seong-ho và Đại sứ Campuchia tại ASEAN Yeap Samnang trên cương vị Chủ tịch Ủy ban điều phối kết nối ASEAN về tiến độ cũng như thách thức đối với các dự án kết nối trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Diễn đàn cũng sẽ thảo luận về kết nối ASEAN trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 và cách thức huy động vốn tài trợ cho các dự án kết nối với sự tham gia của các chuyên gia từ Ban thư ký ASEAN, Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP), Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương Hàn Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Trong ngày thứ hai, Nhóm quản lý Chương trình ASEAN-Hàn Quốc có trụ sở tại Jakarta sẽ trình bày cách thức sử dụng Quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc cho các dự án kết nối, trong khi các quốc gia thành viên ASEAN sẽ trình bày các dự án trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và thành phố thông minh.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 22 diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc đã nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác về kết nối, trong đó có lĩnh vực thành phố thông minh. Campuchia - Chủ tịch ASEAN 2022 - cũng đã nhấn mạnh hợp tác kết nối ASEAN, cho rằng “điều quan trọng là phải tăng cường kết nối vật lý và kỹ thuật số để ASEAN có thể trở thành đối tác thương mại và đầu tư hấp dẫn.”

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn kết nối ASEAN thường niên do Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc tổ chức được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường quan hệ đối tác kinh tế cùng có lợi giữa ASEAN và Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các công ty Hàn Quốc trong nhiều dự án kết nối của ASEAN.

  1. Chính sách tiền tệ làm gia tăng khoảng cách giữa các nền kinh tế giàu và nghèo

Năm 2022, thay vì sự quay lại của kịch bản suy thoái toàn cầu nghiêm trọng mà chúng ta đã từng thấy trong năm 2020, kịch bản năm 2022 được cho là sẽ phân hóa hơn. Theo tờ The Financial Times của Anh, thế giới đã khởi đầu năm 2022 với những dư âm kỳ lạ của năm 2021. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi Omicron đã khiến số ca lây nhiễm tăng vọt khắp nơi trên thế giới, đe dọa đến triển vọng kinh tế. Viễn cảnh là lạm phát toàn cầu cao và lãi suất tăng, với những rủi ro nghiêm trọng dành cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương.

Năm 2021, các nền kinh tế tiên tiến có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến trước các làn sóng COVID-19 ngay cả khi chưa có vaccine ngừa virus hiệu quả. Làn sóng lây nhiễm biến thể Alpha đã tác động lớn đối với sức khỏe của con người, nhưng hầu như không làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các biện phát kích thích tiền tệ và tài khóa được cho là nhiều hơn mức cần thiết đã dẫn đến tình trạng dư thừa cầu và lạm phát.

Khả năng đối phó với biến thể Omicron được cho là sẽ dễ dàng hơn. Số ca nhiễm toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, nhưng số ca tử vong lại thấp hơn. Vaccine ngừa COVID-19 đã chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và cộng đồng cũng có khả năng miễn dịch tốt hơn với những người đã từng nhiễm bệnh. Do đó, các nền kinh tế tiên tiến được cho là sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn.

Bất chấp thông tin tốt này, các dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) - những dự báo cho rằng các nền kinh tế tiên tiến có thể quay lại con đường sản lượng kinh tế được dự báo trước đại dịch mà không có bất kỳ tổn hại lâu dài nào - có thể là quá lạc quan.

Nguyên nhân là do chỉ số lạm phát cao đã cho thấy có những “nút thắt cổ chai” nghiêm trọng liên quan đến việc điều hành nền kinh tế vào năm ngoái. Trong khi đó, thị trường lao động có ít công nhân tìm kiếm việc làm hơn và khoảng thời gian hai năm với nguồn lực đầu tư yếu sẽ cản trở khả năng của các nền kinh tế trong việc cải thiện năng suất, vốn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mà không gây lạm phát.

Do đó, mối nguy lớn nhất cho các năm 2022 và 2023 vẫn là lạm phát do cầu vượt quá khả năng cung sẵn có. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phản ứng với mối đe dọa này một cách muộn màng khi mà Mỹ là nơi mối đe dọa này lớn nhất với lưu ý rằng họ có thể phải tăng lãi suất từ mức 0% hiện tại "sớm hơn hoặc với tốc độ nhanh hơn" so với các quan chức nghĩ lúc đầu.

Nhiều nhà quan sát có thông tin hiện cho rằng sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay, cùng với đó là việc Fed sẽ bán ra một phần trái phiếu chính phủ đang sở hữu. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn giữa chính sách tiền tệ thắt chặt hơn với lập trường chính sách tiền tệ có tính hạn chế cao. Lãi suất danh nghĩa 1% vẫn sẽ kích thích nhu cầu, đặc biệt là khi lạm phát vào cuối năm nay có khả năng cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Vấn đề đối với các nước nghèo là chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, nhưng vẫn mang tính kích thích của Mỹ có thể gây rắc rối cho họ. Như WB đã lưu ý trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm triển vọng vốn đã khó khăn đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Các nền kinh tế nghèo phải vật lộn để có thể phục hồi nhanh như các nền kinh tế tiên tiến, do thiếu sự tin tưởng và khả năng tiếp cận thị trường để tự do vay mượn nhằm bảo vệ người dân trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nếu không có sự kiên cường về tài chính và hệ thống an sinh xã hội rộng rãi, suy thoái ở các nền kinh tế mới nổi sẽ dai dẳng hơn và phục hồi sẽ yếu hơn. “Cơn bão” đầy đủ được bổ sung bởi những khó khăn mà những nền kinh tế này phải đối mặt trong việc tiếp cận vaccine và cung cấp vaccine cho người dân.

Khoảng thời gian hai thập kỷ mà trong đó mức sống của các nền kinh tế mới nổi tiến gần hơn tới mức sống của các nước giàu giờ đã kết thúc. Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập thực tế ở 70% số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế tiên tiến trong giai đoạn 2021-2023. Khiếm khuyết trong đại dịch cũng có khả năng để lại những “vết sẹo” lớn và dai dẳng hơn nhiều. So với giả định (dù là lạc quan) là không có vết sẹo ở các nước giàu, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng sự phục hồi ở các nước nghèo sẽ thấp hơn gần 6% so với kỳ vọng trước đại dịch.

Theo IMF, điều này càng hạn chế khả năng của các nước này trong việc thanh toán các khoản nợ hiện có, vốn đã tăng 10% so với thu nhập quốc dân kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này có thể dẫn đến một cuộc “hạ cánh cứng”, nợ nần chồng chất và sự bất mãn xã hội ở các nước yếu hơn. Không điều gì trong số này được thực hiện dễ dàng hơn bởi khả năng Fed “đạp phanh” mạnh hơn dự kiến trong năm nay, từ đó gây xáo trộn thị trường và thắt chặt các điều kiện tiền tệ toàn cầu. David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho biết triển vọng trong năm 2022 là “không mấy thuận lợi đối với các nước đang phát triển”.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đối mặt với các điều kiện không giống nhau. Trung Quốc có sức mạnh tài chính dồi dào để nâng đỡ nền kinh tế của mình trong ngắn hạn ngay cả khi điều này phải trả giá bằng việc phải tái cân bằng trong thời gian dài. Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ điển hình về một quốc gia dễ bị tổn thương trước một cú sốc. Nợ công và nợ tư nhân cao cùng với sự tín nhiệm thấp đối với các thể chế kinh tế của nước này là một hỗn hợp độc hại. Các quốc gia ở vị trí tương tự đã chứng kiến sự tháo chạy về vốn và đối mặt với mối đe dọa của một vòng luẩn quẩn làm triển vọng suy yếu và gia tăng tính dễ bị tổn thương.

Ngân hàng Thế giới dự báo 40% các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn có thu nhập quốc dân dưới mức năm 2019 vào năm 2023. Đó là những điều kiện có khả năng thúc đẩy một tính toán trong năm nay hơn là gây ra những sự xáo trộn.

  1. Algeria mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu chịu thuế phòng vệ bổ sung tạm thời

Ngày 6/1/2022, Bộ trưởng Thương mại và Xúc tiến Xuất khẩu Algeria, đã thông báo việc nước này mới cập nhật danh sách các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế phòng vệ bổ sung tạm thời (DAPS), cụ thể là nâng số lượng hàng hóa có liên quan lên con số 2.608 sản phẩm thay vì 992 sản phẩm như hiện nay.

Theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và sau khi xem xét các đề nghị bảo vệ sản phẩm địa phương mà các Bộ Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp nhận được, danh mục các mặt hàng nhập khẩu phải chịu DAPS đã được sửa đổi theo hướng tăng. Cụ thể từ nay, danh sách sẽ bao gồm 2.608 sản phẩm thay vì 992 (tăng thêm 1616 mặt hàng mới) và sẽ được Chính phủ cho đăng trên công báo vài ngày tới. Tỷ suất thuế áp dụng của DAPS từ 30% lên đến 200% tùy mặt hàng nhập khẩu (chưa kể thuế nhập khẩu trung bình là 30% và thuế VAT 19%). Ví dụ, mặt hàng dứa tươi, xoài, măng cụt nhập khẩu, thuế phòng vệ lên tới 120% (bên cạnh thuế nhập khẩu 30%, thuế VAT 19%, thuế đoàn kết 2%), nấm, mì ăn liền phải chịu thuế phòng vệ bổ sung tạm thời 70%, điện thoại di động là 60%, vv.

Bộ trưởng Thương mại và Xúc tiến Xuất khẩu Algeria cũng khẳng định danh sách 2.608 sản phẩm này liên quan đến hàng hóa nhập khẩu từ những nước không có hiệp định thương mại ưu đãi với Algeria. Đối với các khối nước mà Algeria ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Liên minh châu Âu, Khu vực đại Ả rập và Liên minh châu Phi, danh sách này chỉ bao gồm 141 mặt hàng.

DAPS là loại thuế phòng vệ bổ sung tạm thời được thiết lập từ tháng 9/2018 trong khuôn khổ Luật tài chính bổ sung năm 2018 nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và thay thế cho lệnh cấm nhập khẩu gần 1000 mặt hàng áp dụng trước đó từ 1/1/2018. Tỷ suất thuế DAPS dao động từ 30 đến 200% tùy loại mặt hàng. Căn cứ thông tư liên bộ ngày 8/1/2018, Algeria đã thành lập một ủy ban tư vấn bao gồm các lĩnh vực thương mại, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp với nhiệm vụ chính là nghiên cứu các đơn yêu cầu bảo vệ sản phẩm trong nước cũng như đề xuất các biện pháp phòng vệ thích hợp.

  1. Canada nỗ lực trong công cuộc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới

  Bộ trưởng Mary Ng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp khai thông thế bế tắc, để Cơ quan Phúc thẩm WTO thực sự trở thành một hệ thống giải quyết tranh chấp được vận hành đầy đủ. Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) ngày 21/1 nhấn manh một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, với nòng cốt là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là cần thiết để đảm bảo các hành động ứng phó với đại dịch trên quy mô toàn cầu được phối hợp tốt và công bằng, cũng như đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.

Tại cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng của WTO do Thụy Sĩ chủ trì ngày 21/1, bà Mary Ng, Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế Canada đã khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp đa phương nhằm giải quyết các mối lo ngại liên quan đến cách ứng phó với đại dịch, bao gồm vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với vaccine phòng COVID-19, việc hạn chế xuất khẩu, vấn đề thông quan, minh bạch...

Bộ trưởng Mary Ng cũng lưu ý sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách trong các cuộc đàm phán về trợ cấp thủy sản đang diễn ra để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12). Về đàm phán nông nghiệp, Bộ trưởng Mary Ng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thành viên WTO làm việc cùng nhau để thiết lập các quy tắc hạn chế trợ cấp trong nước (vốn gây ra tình trạng "bóp méo" thương mại) và cải thiện tính minh bạch của các chính sách liên quan.

Bộ trưởng Mary Ng cũng khuyến nghị miễn các giao dịch mua của Chương trình Lương thực Thế giới khỏi các hạn chế xuất khẩu, nhằm đảm bảo để những nước có nhu cầu được tiếp cận khẩn cấp với lương thực thực phẩm. Trong bối cảnh Canada đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Ottawa về cải cách WTO, Bộ trưởng Mary Ng nhắc lại cam kết của nhóm trong việc thúc đẩy cải cách WTO nhằm củng cố tổ chức này và đảm bảo rằng thương mại dựa trên quy tắc định hướng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp khai thông thế bế tắc, để Cơ quan Phúc thẩm WTO thực sự trở thành một hệ thống giải quyết tranh chấp được vận hành đầy đủ. Theo Bộ trưởng Mary Ng, cần cải thiện các chức năng đàm phán và giám sát tại WTO./.

  1. EU công bố đề xuất dán nhãn năng lượng xanh

Ngày 01/1/2022, Ủy ban Châu Âu đã công bố một dự thảo đề xuất phân loại khí đốt và năng lượng hạt nhân thân thiện với khí hậu. Đề xuất đã được gửi đến các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vào cuối đêm 31/12, khi năm 2021 sắp kết thúc.

 

EU công bố đề xuất dán nhãn năng lượng xanh

Các hướng dẫn đưa ra trong dự thảo văn bản sẽ giới hạn nhãn xanh chỉ cho những nhà máy điện hạt nhân sử dụng các tiêu chuẩn công nghệ hiện đại nhất với các kế hoạch xử lý chất thải nghiêm ngặt. Tương tự như vậy đối với các nhà máy khí đốt, chỉ những nhà máy sử dụng tiêu chuẩn cao nhất mới được xem xét để phân loại - với giới hạn 100 gam carbon dioxide thải ra trên mỗi kilowatt-giờ năng lượng được tạo ra. Các quốc gia thành viên có thời gian cho đến ngày 12/1 để cho ý kiến với dự thảo. Nếu đa số ủng hộ đề xuất này, thì đề xuất này sẽ có hiệu lực từ năm 2023. Ủy ban Châu Âu cho biết kế hoạch này sẽ "đẩy nhanh việc loại bỏ các nguồn độc hại hơn, chẳng hạn như than đá, và đưa EU hướng tới một hỗn hợp năng lượng xanh ít carbon hơn."

Trong khi Đức đã phản đối ngày càng tăng đối với năng lượng hạt nhân kể từ sau thảm họa tại nhà máy Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011 - gần đây nhất là việc đóng cửa ba trong số sáu nhà máy còn lại của nước này vào ngày 31/12 - Pháp đã dẫn đầu ủng hộ năng lượng hạt nhân như một thay thế sạch sẽ. Pháp phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân. Paris cũng đã đảm nhận vị trí chủ tịch EU trong nửa đầu năm 2022. Các quốc gia thành viên ở phía đông và nam của khối phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch cũng đã bảo vệ khí đốt như một nguồn năng lượng chuyển tiếp có thể có. Triển vọng của dự thảo bị từ chối là rất mong manh vì chỉ có một số nước EU ngoài Đức lên tiếng phản đối năng lượng hạt nhân.