BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THÁNG 01/2021 (08-02-2021)

1. Châu Á-Thái Bình Dương hướng tới thực hiện hiệu quả Khung tiêu chuẩn thương mại điện tử WCO

Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Thương mại điện tử từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 01 năm 2021. Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ 25 cơ quan hải quan thành viên và các diễn giả từ Ban Thư ký WCO, Liên minh Bưu chính thế giới, Hiệp hội Global Express, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Hải quan Châu Đại dương, các công ty thương mại điện tử như Alibaba, JD International và Malaysia Airports Holding Berhad.

 

Hội thảo đã giới thiệu 15 tiêu chuẩn của Khung tiêu chuẩn WCO về Thương mại điện tử xuyên biên giới (E-Commerce FoS) và các công cụ sẵn có để hỗ trợ việc thực hiện chúng. Các chuyên gia đã phân tích các ví dụ thực tế về việc triển khai Thương mại điện tử FoS trong các lĩnh vực sử dụng.

Giám đốc WCO về Tuân thủ và Tạo điều kiện cho biết, việc triển khai hiệu quả và hài hòa E-Commerce FoS quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch đã thúc đẩy các giao dịch thương mại điện tử thay vì các giao dịch truyền thống, xu hướng này thậm chí tiếp tục gia tăng trong thời kỳ hậu Covid-19.

 

2. Chuyển đổi thương mại, hỗ trợ năng lực sản xuất là chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu

Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) - tiến sĩ Mukhisa Kituyi mới đây đã công bố báo cáo về các vấn đề sức khỏe, năng suất, sự thịnh vượng và v phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa là tác nhân giảm tốc, đồng thời ở một vài khía cạnh, có thể giúp tăng tốc các xu hướng mới của nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, đại dịch xảy ra trong bối cảnh bất bình đẳng ngày càng gia tăng, triển vọng kinh tế suy giảm, gia tăng các nguy cơ về biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương suy yếu.

Trong bối cảnh đó, theo tiến sĩ Kituyi, việc mở rộng năng lực sản xuất mang tính chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa kinh tế của tất cả các quốc gia là yếu tố quan trọng để vượt qua bối cảnh kinh tế toàn cầu bị rạn nứt hiện nay và giải quyết những thách thức mới do đại dịch gây ra. Đồng thời có thể tạo thành cốt lõi của một sự đồng thuận đa phương mới, linh hoạt hơn để đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Trong báo cáo của mình, tiến sĩ Kituyi cũng đưa ra những vấn đề chính mà các quốc gia thành viên UNCTAD có thể tìm được sự đồng thuận và định hướng cuộc thảo luận cho phiên họp thứ 15 của UNCTAD

(UNCTAD 15) sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 10 năm 2021 tại Bridgetown (Barbados) sau một năm bị hoãn.

3. WTO - OECD ra mắt Bộ dữ liệu về dịch vụ thương mại song phương của hơn 200 nền kinh tế

Ngày 13 tháng 01 năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đã công bố bộ dữ liệu mới bao gồm các dịch vụ thương mại song phương của hơn 200 nền kinh tế từ năm 2005 đến năm 2019. Bộ dữ liệu được viết tắt là BaTIS (Balanced Trade in Services) có thể cung cấp dữ liệu chi tiết cho 12 lĩnh vực dịch vụ ngoài tổng số dịch vụ thương mại sẵn có, cung cấp một ma trận cân bằng và hoàn chỉnh để đối chiếu dữ liệu không cân đối trước đây.

Hiện tại, dữ liệu song phương đã sẵn sàng đáp ứng cho ít nhất 70% dịch vụ thương mại thế giới. Đối với các lĩnh vực dịch vụ riêng lẻ, mức độ bao phủ có thể thấp hơn nhiều. Hơn nữa, các số liệu thống kê về thương mại dịch vụ song phương sẵn có khác nhau đáng kể giữa các khu vực và các quốc gia. Hơn 90% dịch vụ thương mại của Châu Âu có thể được thực hiện trên cơ sở song phương, tuy nhiên tỷ lệ này chỉ đạt 36% ở các nước Châu Á. Các nền kinh tế Châu Phi hoặc Trung Đông hiện không có giao dịch song phương nào.

 

Dữ liệu BaTIS sử dụng cả hai loại số liệu ước tính và thống kê cho các dữ liệu bị thiếu, cung cấp cho người dùng một ma trận hoàn chỉnh và cân bằng bao gồm tất cả các nền kinh tế thế giới. Cụ thể là các ngành nghề trong phân loại dịch vụ thanh toán mở rộng (EBOPS) năm 2010 như: dịch vụ bảo trì và sửa chữa, vận tải, du lịch, xây dựng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, viễn thông, máy tính, văn hoá giải trí, hàng hoá dịch và dịch vụ của chính phủ, phí sử dụng tài sản trí tuệ cũng như tất cả các dịch vụ thương mại khác. Do vậy, đây là một công cụ có giá trị trong việc phân tích kinh tế, hoạch định chính sách và đàm phán thương mại.

Những minh họa về dịch vụ nội khối từ dữ liệu của BaTIS cho thấy ngay cả khi có hơn 50 nền kinh tế thì tỷ trọng thương mại dịch vụ trong khu vực Châu Phi rất thấp (7%). Ở khu vực lớn hơn như Nam và Trung Mỹ thì con số cũng khá khiêm tốn (12%), ngược lại thì tỷ trọng này chiếm khá cao ở Châu Á và cao nhất ở Châu Âu.

4. Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 lây lan qua hàng hóa nhập khẩu

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông và mùa xuân.

Cụ thể, các biện pháp kiểm tra bao gồm lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để tiến hành kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa. Công tác kiểm tra, khử trùng phòng dịch đối với xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe cũng được thực hiện tương tự quy trình nêu trên.

Các biện pháp trên không áp dụng đối với các loại hàng hóa là chất nguy hiểm, lương thực, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi và các loại hàng hóa không có bao bì hoặc có bao bì nhưng dễ bị thuốc khử trùng thẩm thấu gây ô nhiễm. Việc kiểm tra, khử trùng phòng dịch đối với công-ten-nơ hàng hóa đông lạnh vẫn thực hiện bình thường theo các quy định trước đó của Cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh. Cụ thể như sau:

- Mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu nếu không có đầy đủ 04 loại giấy tờ sẽ không được phép tiêu thụ trên thị trường, cụ thể gồm: (i) chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; (ii) chứng nhận khử trùng; (iii) chứng nhận thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp; (iv) chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19.

- Các sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Quảng Tây qua các cửa khẩu, cảng biển khi bảo quản, tiêu thụ và gia công trên địa bàn phải được nhập kho giám sát tập trung của địa phương, thực hiện nghiêm túc lấy mẫu axit nucleic, khử trùng toàn bộ bề mặt hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các sản phẩm đã thực hiện quy trình trên tại tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc vẫn phải nhập kho để đối chiếu, sau đó có thể tiêu thụ hoặc gia công.

5. Bảo đảm thương mại đóng góp hiệu quả vào mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu

“Các thành viên WTO cần tham gia vào các cuộc thảo luận tập trung và mang tính xây dựng về cách đảm bảo rằng thương mại và các biện pháp liên quan đến thương mại đóng góp hiệu quả vào mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu”. Đây là phát biểu của Alan Wolff, Phó Tổng giám đốc Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới tại Hội thảo trực tuyến do Hiệp hội các công ty lớn của Pháp (AFEP) tổ chức ngày 14 tháng 01 năm 2021.

Hội thảo đã công bố những báo cáo về Thương mại và Biến đổi Khí hậu (BĐKH), nêu ra những tác động gián đoạn của BĐKH và suy thoái môi trường đối với cuộc sống và nền kinh tế, bao gồm cả thương mại.

Trước những thách thức và cơ hội do cuộc chiến chống BĐKH mang lại, ngày càng nhiều chính phủ bắt đầu các kế hoạch về cắt giảm lượng các-bon trong không khí vào năm 2050 như Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina…; riêng Trung Quốc và Brazil dự định vào năm 2060.

Theo thỏa thuận Paris về BĐKH, mỗi quốc gia xác định mức độ đóng góp của mình dựa trên tính toán về năng lực, kinh tế xã hội, về tác động tích cực và tiêu cực đến việc tăng nhiệt độ toàn cầu, nguyên nhân dẫn đến BĐKH.

Kể từ khi WTO thành lập Ủy ban Thương mại và Môi trường (CTE) đã tạo ra một diễn đàn để các thành viên thảo luận về các biện pháp phát triển thương mại gắn với bảo vệ môi trường.

Các quy định hiện hành của WTO không gây trở ngại cho việc áp dụng các biện pháp môi trường, mà nó yêu cầu các nước thành viên cần minh bạch về chính sách thương mại và các biện pháp thương mại phải nhất quán và phù hợp với mục đích chung.

6. Hàn Quốc siết chặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến nhập khẩu

Theo Báo cáo Xu hướng thực phẩm nhập khẩu năm 2019 và năm 2020 của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), số vụ vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các lô hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2019 phát hiện 117 vụ, đến năm 2020 (đến ngày 21/12/2020) giảm còn 37 vụ.

Số vụ vi phạm có xu hướng giảm cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy định của nước sở tại đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hoa Kỳ trong số những nước có số vụ thực phẩm nhập khẩu vi phạm nhiều nhất vào Hàn Quốc.

Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của hai nước, với Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc và đối tác Hàn Quốc để cập nhật các quy định liên quan, tránh ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như hình ảnh sản phẩm Việt Nam đối với người tiêu dùng Hàn Quốc.

Một số vi phạm trong sản phẩm của Việt Nam như: Trong thành phần có hàm lượng gây hại vượt quá mức cho phép (aflatoxin, benz (a) pyrene, enrofloxacin, ciprofloxacin); Vi phạm tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản; Không đảm bảo điều kiện ATTP tại nơi chế biến; Phát hiện dị vật trong sản phẩm...

Theo quy định của Hàn Quốc (Luật đặc biệt về quản lý ATTP nhập khẩu), khi phát hiện sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chất gây hại thì cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu hồi, hủy toàn bộ lượng hàng đang phân phối. Trong vòng 01 tháng, nhà nhập khẩu phải trình phương án xử lý đối với thực phẩm nhập khẩu đã được xác định là không phù hợp/vi phạm.

Trường hợp nhà nhập khẩu muốn tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm không phù hợp trong tương lai, cần thực hiện các biện pháp cần thiết như xác định nguyên nhân, yêu cầu nhà sản xuất của nước xuất khẩu cải thiện chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra với tần suất nhiều hơn cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, trong năm 2020, Hàn Quốc đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc tự hoàn thiện và nộp hồ sơ kiểm tra tại nguồn định kỳ qua hình thức trực tuyến cho Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS). Đây là hình thức kiểm tra lâm thời thay thế cho hoạt động kiểm tra tại hiện trường do các chuyên gia MFDS thực hiện hàng năm.

Ngày 10 tháng 12 năm 2020, MFDS đã thông báo danh sách các doanh nghiệp Việt Nam không hoàn thành việc nộp hồ sơ kiểm tra tại nguồn theo hướng dẫn. Các doanh nghiệp này sẽ bị áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc và được đưa vào danh sách kiểm tra tại nguồn của MFDS năm 2021.

Bộ Công Thương thông báo để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc lưu ý, rà soát.

Danh sách các doanh nghiệp Việt Nam không hoàn thành nộp hồ sơ kiểm tra tại nguồn theo hướng dẫn

Business

Registration code

EST. No

Name of Facility

Facility Address

Result

Foods

VN0000000013

 

Vinh Hiep Company Limited

404 Le Duan Street, Thang Loi Ward, Pleiku City, Gia Lai

Intensified inspection

Foods

VN000001469

 

Red Bull Vietnam Co.Ltd

Hanoi Highway, Binh Thang Ward, Di An District, Binh Duong Province

Intensified inspection

Foods

VN000000320

 

Buhung Co.Ltd

45C Xuan Tho Village, Xuan Loc Town, Dong Nai Province

Intensified inspection

Foods

VN000002134

 

Woojung Food Co.Ltd

D3 Kizuna 2, KCN Tan Kim, Long An

Intensified inspection

Foods

VN000002538

 

Havyco

N045, Rout 14, Group 1, Son Hiep Hamlet, Tho Son Village, Bu Dang District, Binh Phuoc Province

Intensified inspection

Foods

VN000002680

 

Envy Co.Ltd

B4 Han Thuyen Planning Area, Ward 5, Dalat City, Lam Dong Province

Intensified inspection

Foods

VN000002722

 

A2K Joint Stock Company

Lott-2B, Street No 4 Long Hau Industrial Park, Long Hau Commue, Can Giuoc Distric, Long An Province

Intensified inspection

Foods

VN000002825

 

Nha Man Company Limited

Block C, Sa Dec Industrial Park, Tan Quy Dong Ward, Sa Dec City, Dong Thap Province

Intensified inspection

Foods

VN100000001

S00414601

Minh Hien Co.Ltd

Bich Hoa Industrial Complex, Bich Hoa Commune, Thanh Oai District, Hanoi City

Intensified inspection

Foods

VN100000005

S3458

Seaspimex Vietnam

Hamlet 2, Hoang Phan Thao Str., Binh Chanh Commune, Binh Chanh District, Ho Chi Minh City

Intensified inspection

Foods

VN100000002

T1449

Tuyen Ky Foods Co.Ltd

189 Do Ngoc Thanh Street, District 11, Ho Chi Minh City

Intensified inspection

Foods

VN100000006

V0263

Viet Tung Producing Trading Co.Ltd

Phu Loi Hamlet, Phu Trung Ward, Cu Chi Dist, Ho Chi Minh City

Intensified inspection

Foods

VN100000003

S3025

Seaspimex Vietnam

213 Hoa Binh Str, Tan Phu Dist, Ho Chi Minh City

Intensified inspection

Foods

VN100000004

T1351

Tuyen Ky Foods Co.Ltd

Khu 7, Quoc lo 1K, Di An, Binh Duong

Intensified inspection

 

7. Quy định mới về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dạng bột chứa thành phần trái nhàu nhập khẩu vào Hàn Quốc

Hàn Quốc tiếp tục áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với sản phẩm dạng bột chứa thành phần trái nhàu từ Việt Nam và một số nước nhập khẩu vào Hàn Quốc trong năm 2021 như sau:

- Đối tượng áp dụng: Sản phẩm dạng bột có thành phần trái nhàu từ 50% trở lên

- Chỉ tiêu kiểm tra: Thôi nhiễm kim loại

- Thời gian áp dụng phương thức kiểm tra mới: từ ngày 24 tháng 12 năm 2020 đến ngày 23 tháng 12 năm 2021

- Yêu cầu kiểm tra: Hồ sơ khai báo nhập khẩu sản phẩm vào Hàn Quốc phải có phiếu kiểm nghiệm từ một trong các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định bởi Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS)

Bộ Công Thương thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm có liên quan biết và áp dụng

 

https://moit.gov.vn/documents/36315/0/khcn+thong+bao.png/04cda09e-8640-412b-9b4d-ac7388fc2ab5?t=1611286758439

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)